Gần 3 tháng qua, câu chuyện "Hậu chống than trái phép" hiện đang đặt cho Quảng Ninh nhiều việc lớn cần giải quyết như: Ổn định cuộc sống cho hàng nghìn người dân sống bằng nghề nhặt than; giải quyết việc làm cho hàng trăm doanh nghiệp; phương tiện, máy móc khai thác than và đặc biệt là nguy cơ nợ quá hạn, khó đòi của hệ thống ngân hàng trên địa bàn…
Tại một trong số hàng chục khe suối ở vùng than Cẩm Phả, không phải nhiều người đang mò cua, bắt cá; mà người ta đang mò than. Những cột nước xối mạnh xuống, khuấy đục dòng nước trước khi hút than lên bờ để sàng lọc, tận thu từng khối than theo mưa trôi ra từ các mỏ. Làm vất vả, nhưng mỗi người, mỗi ngày trước đây cũng kiếm được gần trăm ngàn đồng, nay thu nhập chỉ còn bằng phân nửa.
Ông Nguyễn Văn Luân, người tận thu than rơi nói: “Than bây giờ khó bán, trước từ 270 đến 300 ngàn đồng/khối, hiện nay giá bán hạ, ngày công lao động không còn bao nhiêu, do giá than chỉ còn 60.000 đồng/khối”.
Trên các quả đồi ở Cẩm Phả, hàng chục bãi xe chuyên dụng nằm bất động từ nhiều ngày qua. Đó là những chiếc xe, máy do các doanh nghiệp tư nhân ồ ạt mua về trước đó để phục vụ việc bốc đất đá, khai thác than. Những chiếc xe có giá từ 2 đến 3 tỷ đồng mỗi chiếc, chỉ tính riêng ở Cẩm Phả, hiện có hàng nghìn chiếc xe như thế nằm bất động.
Có thể thấy, đây là sự lãng phí rất lớn tiền của xã hội và đẩy nhiều doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, không chỉ có doanh nghiệp, mà nhiều ngân hàng ở Quảng Ninh cũng đang đối mặt với nguy cơ nợ quá hạn, nợ khó đòi.
Hầu hết các ngân hàng thương mại trên địa bàn Quảng Ninh đều cho các doanh nghiệp ngoài ngành than vay vốn để sản xuất, kinh doanh than. Tổng hợp từ các ngân hàng cho thấy, dư nợ cho vay mua xe máy ước lên tới 700 tỷ đồng, và một phần không nhỏ trong số đó đã trở thành nợ xấu.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Quảng Ninh cho biết: “Đầu tư mua xe Bella, máy gạt có công suất lớn để phục vụ khai thác than, Bây giờ không dùng được, cũng không thể vác ra dùng để chở những thứ khác. Đưa xuống đường dùng cũng không được, chứ chưa nói tới việc chuyện bán đấu giá…”
Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Quảng Ninh lại đặc biệt lo ngại cho số phận của hàng nghìn người dân chuyên sống bằng nghề nhặt, mót than rơi. Nghề này vốn có từ thời Pháp thuộc, thời gian qua, số than nhặt mót chủ yếu bán lại cho các đầu lậu, với giá bằng chưa đến một nửa giá của ngành than.
Theo ông Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: “Chúng tôi sẽ yêu cầu các huyện, thị xã nơi có nhiều than để quy hoạch ra các bãi, tạm gọi là chợ than để bà con nhặt mót, khai thác thủ công mang đến bán, ngành than sẽ tổ chức mua trực tiếp tại bãi theo giá niêm yết công khai, và giá đó phải đảm bảo chắc chắn cao hơn giá mà bà con bán qua các trung gian từ trước đến nay”.
Thế nhưng, câu chuyện hậu chống than trái phép chưa phải đã hết. Trên bờ Vịnh Hạ Long hiện vẫn còn phân nửa trong số 104 tàu chở than bị bắt giữ cách đây hai tháng, hiện vẫn chưa có phương án xử lý cuối cùng cho những chiếc tàu tiền tỷ này, số phận của chúng đang phó mặc cho nước mặn và sóng biển. Phần lớn tiền mua tàu được vay từ ngân hàng, trong khi mùa mưa bão đang gần kề.