Thảo luận về dự án Luật đa dạng sinh học sáng 02/06, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành về sự cần thiết ban hành luật này nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho hoạt động khai thác, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Khẳng định dự luật đã quy định khá toàn diện, cụ thể các vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học, một số ý kiến đề nghị cần có quy định đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học với cơ chế chia sẻ lợi ích hợp lý, và chế tài quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ các loài được bảo vệ.
Đa số ý kiến tán thành với quy định cho phép nuôi sinh sản thương mại các loài được bảo vệ vì điều này không trái với Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật bị đe doạ tuyệt chủng (CITIES) mà Việt Nam là thành viên, đồng thời góp phần hạn chế việc săn bắt, khai thác trái phép các loài được bảo vệ.
Từ quy định này, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thành lập một số trung tâm phát triển giống của loài được bảo vệ để cung cấp nguồn giống hợp pháp cho các cơ sở gây nuôi sinh sản thương mại.
Theo điều tra của của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đa dạng sinh học ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở các khu rừng đặc dụng tự nhiên, các vùng đất ngập nước, các vùng đồi, núi đặc biệt là núi đá vôi và các hệ sinh thái biển, hải đảo.
Việt Nam hiện được xếp vào nhóm 15 nước hàng đầu thế giới về số loài thú, nhóm 20 nước hàng đầu về số loài chim, nhóm 30 nước hàng đầu về số loài thực vật và lưỡng cư bị đe dọa tuyệt chủng.
Trước sự tác động của biến đổi khí hậu làm cho suy thoái đa dạng sinh học ngày càng tăng, các bộ, ngành chức năng và địa phương ở Việt Nam đã và đang tập trung thực hiện Chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên đến năm 2010 của Chính phủ.
Hiện cả nước đã thành lập 126 khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích lên tới 2,5 triệu ha, chiếm 7,6% diện tích tự nhiên và hầu hết tập trung trên đất liền./.