Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá nước ngọt ở Quảng Nam phát triển mạnh cả về diện tích và sản lượng, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở nông thôn, miền núi.
Nghề nuôi cá nước ngọt ở Quảng Nam đã có từ lâu, nhưng chỉ thật sự phát triển mạnh trong vòng năm năm trở lại đây khi tỉnh chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó nghề nuôi cá nước ngọt được chú trọng, khuyến khích đầu tư phát triển.
Với tiềm năng và lợi thế của một tỉnh có nhiều ao hồ, sông suối, gồm 6.000 ha diện tích mặt nước hồ chứa, hơn 500 ha diện tích ao hồ nhỏ và các ao hồ chứa đang xây dựng, nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện trung du, miền núi, tập trung nuôi các loại cá tra, rô phi đơn tính, trắm cỏ, điêu hồng, mè, ếch, ba ba…
Ðến nay, phong trào nuôi cá nước ngọt phát triển nhanh và đều khắp ở tất cả 18 huyện, thành phố của tỉnh. Diện tích và sản lượng mỗi năm một tăng. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh nuôi cá nước ngọt trên diện tích 3.480 ha, đạt sản lượng 1.400 tấn thì đến năm 2005, đạt 4.800 ha, với 5.838 tấn, năm 2007 sản lượng tăng gấp hai lần so với năm 2005, với 11 nghìn tấn.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Võ Văn Năm cho biết: “Từ năm 2002 đến nay, tỉnh Quảng Nam chú trọng phát triển nghề nuôi cá nước ngọt và xem đây là bước đột phá của ngành thủy sản. Vài ba năm trở lại đây, tỉnh thử nghiệm nuôi thành công cá tra, và xác định đây là đối tượng nuôi chủ lực để tạo sản lượng lớn cho xuất khẩu. Tỉnh phấn đấu đến năm 2010 đạt sản lượng nuôi cá nước ngọt khoảng 50 nghìn tấn”.
Ðể tạo đủ nguồn giống, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn mỗi năm cung cấp hàng triệu con giống các loại cho các địa phương. Tỉnh còn trợ giá, trợ cước 100% mỗi năm hơn 500 nghìn con cá giống các loại cho các xã miền núi. Trung tâm khuyến ngư và phát triển giống thủy sản Quảng Nam, ngoài chức năng chính là sản xuất cá giống cung cấp hằng năm hơn 3,5 triệu con cá giống các loại như rô phi đơn tính, trắm cỏ, ếch, ba ba… còn thả nuôi cá thịt với sản lượng gần 20 tấn cá rô phi và 80 tấn cá mè/năm.
Phong trào chuyển dịch cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi diện tích lúa năng suất thấp sang nuôi cá nước ngọt đang diễn ra đều khắp tại các địa phương trong tỉnh. Từ năm 2000 đến nay đã có gần 300 ha diện tích lúa trũng năng suất thấp được chuyển đổi để đào ao nuôi cá.
Anh Châu Ngọc Viên ở An Phú (Tam Kỳ) cho biết: “Gia đình anh có ba sào lúa (mỗi sào 500 m2) ven sông Bàn Thạch bị nhiễm phèn nên chỉ sản xuất được một vụ, năng suất thấp không hiệu quả. Ðược sự hỗ trợ về con giống của ngành thủy sản, anh mạnh dạn đầu tư đào ao cải tạo lại ba sào ruộng để nuôi các loại cá trắm cỏ, rô phi, điêu hồng…”. Ðến nay, anh nuôi được hai vụ, mỗi vụ thả nuôi hơn 5.000 con giống, trừ chi phí, gia đình anh thu gần 10 triệu đồng. Anh cho rằng, so với trồng lúa trước đây thì nuôi cá nước ngọt thu lợi gấp 10 lần.
Mặc dù mới được đưa vào nuôi, nhưng qua thực tế ở một số mô hình thử nghiệm, con cá tra rất thích hợp với vùng đất Quảng Nam. Tỉnh đang xây dựng đề án và quy hoạch vùng hạ lưu hồ chứa nước Phú Ninh và các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Ðiện Bàn… để nuôi cá tra quy mô lớn, phấn đấu đến năm 2015 đạt 500 ha, với sản lượng 100 nghìn tấn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp nuôi cá tra thương phẩm thành công như Công ty TNHH thực phẩm chế biến Á Châu thả nuôi trên diện tích gần 13 ha, năng suất đạt hơn 300 tấn/ha; Công ty TNHH Hải Hà nuôi 1,5 ha trên công trình ao nuôi bình thường của các loại cá nước ngọt khác nhưng năng suất cũng đạt 150 tấn/ha.
Có thể nói người có công đầu tiên đưa con cá tra về nuôi thành công ở Quảng Nam là anh Nguyễn Hữu Hiền, hiện là Giám đốc Công ty TNHH thực phẩm chế biến Á Châu. Qua 10 năm nuôi thử nghiệm từ nuôi trên lồng bè đến nuôi trên ao, bây giờ có cơ sở khẳng định, mô hình nuôi cá tra của công ty anh đã mang lại hiệu quả và có thể nhân rộng trên địa bàn.
Dẫn khách đi xem những ao nuôi cá tra ở xã Ðiện Tiến (Ðiện Bàn) sắp thu hoạch, anh Hiền bộc bạch: “Thú thật lúc đầu tôi lo lắm, song qua thời gian nuôi tôi nhận thấy điều kiện tự nhiên ở đây có thể phát triển nuôi cá tra không thua kém gì ở đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất Quảng Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để nuôi cá tra, nhất là khu vực dọc sông Thu Bồn, Vu Gia. Nuôi cá tra trong ao chi phí thấp và dễ kiểm soát dịch bệnh…”.
Hiện nay công ty của anh Hiền có hai cơ sở nuôi cá tra ở xã Ðiện Tiến (Ðiện Bàn) và Duy Trinh (Duy Xuyên) với diện tích 13 ha, nuôi 5 triệu con giống, dự kiến tháng 6 này sẽ thu hoạch khoảng 5.000 tấn. Anh Hiền đang đầu tư mở rộng thêm gần 30 ha, đồng thời xây dựng mô hình khép kín từ sản xuất con giống, thả nuôi, đến sản xuất thức ăn và thu mua chế biến. Nguyện vọng duy nhất của anh hiện nay là mong muốn tỉnh Quảng Nam sớm ban hành chính sách về đất đai nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như khuyến khích mọi người dân trên địa bàn có điều kiện phát triển nuôi cá tra, góp phần cải thiện đời sống, làm giàu và tạo nguồn nguyên liệu xuất khẩu.
Có thể khẳng định rằng, nghề nuôi cá nước ngọt ở Quảng Nam đã đi đúng hướng, không chỉ tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, mà còn góp phần tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu trong khi diện tích nuôi tôm sú nước lợ ngày càng bị thu hẹp và nghề khai thác cũng gặp khó khăn do thiên tai thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay quy mô nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, và không được đầu tư đúng mức nên chưa mang tính chất sản xuất hàng hóa. Công tác quy hoạch vùng nuôi chậm được triển khai thực hiện. Việc ban hành và triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ nghề nuôi cá nước ngọt chậm và không đồng bộ.
Ðể nghề nuôi cá nước ngọt phát triển bền vững, thật sự đem lại hiệu quả, tỉnh Quảng Nam cần chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện tốt công tác khảo sát quy hoạch chi tiết vùng nuôi, kết hợp với việc lập các dự án đầu tư cụ thể. Quy hoạch cần gắn với việc phục vụ nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phải bảo đảm hài hòa lợi ích cộng đồng dân cư. Cần xác định đối tượng nuôi chủ lực, trong đó chú trọng nuôi cá tra, rô phi đơn tính để có chính sách đầu tư phù hợp. Tuy nhiên, nghề nuôi cá tra đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn. Do vậy, cần chọn các doanh nghiệp làm nhà đầu tư chính trong việc phát triển nuôi cá tra để làm đòn bẩy, sau đó nhân rộng trong nhân dân, đồng thời khuyến khích các hộ gia đình nuôi gia công cho các doanh nghiệp.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư nuôi cá nước ngọt trên địa bàn là cơ chế chính sách về đất đai chưa rõ ràng, gây nhiều khó khăn và làm chậm tiến độ đầu tư. Tỉnh cần sớm ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư, nhất là chính sách về đất đai, để thu hút các doanh nghiệp cũng như các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư hình thành những khu vực sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Chính sách hỗ trợ và thu hút các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn trong dân, hết sức cần thiết, cần được quan tâm nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình đầu tư phát triển nuôi cá nước ngọt. Ðồng thời, có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở thu mua chế biến để lo “đầu ra” cho nông dân.