La ba là chuối đặc sản của Lâm Đồng, thương hiệu chuối hàng đầu Việt Nam, từng được cung tiến cho vua triều Nguyễn, cung cấp cho các quan chức cao cấp người Pháp. Hiện giống chuối quý hiếm này đang bị thoái hóa nên các nhà khoa học phải nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn gien.
Được trồng ở La ba (xã Phú Sơn, Lâm Hà) vào đầu thập niên 50 của thế kỷ trước và chỉ sau một thời gian ngắn đã trở nên nổi tiếng bởi quả màu vàng sánh, dẻo, ngọt và có hương thơm. Người dân địa phương đã lấy địa danh La ba đặt cho loại chuối này.
Giống chuối La ba được chuyển từ Lâm Hà sang trồng ở một số huyện, thị (Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương) có chất đất, khí trời, độ cao… tương tự và đã thích nghi tốt.
Nhà vườn chưa bao giờ phải lo đầu ra, bởi đến kỳ thu hoạch là các thương lái đến tận vườn bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá khoảng 4.000 đồng/kg, cao hơn các loại chuối khác từ 200 – 400 đồng/kg. Chuối La ba được cung cấp cho các siêu thị tại TP.HCM cùng nhiều tỉnh khác và xuất sang Trung Quốc với giá gấp đôi hoặc cao hơn, thế nhưng các thương lái thường không gom đủ hàng để xuất bởi diện tích, sản lượng còn quá thấp.
Hiện Lâm Đồng chỉ còn vài chục ha chuối La ba chính hiệu, giảm hơn 70% so với những thập niên gần đây, nhiều nơi không còn vườn chuối mà chỉ có một vài khóm xen với các loại cây trồng khác.
Nguyên nhân khiến năng suất và chất lượng chuối giảm sút nghiêm trọng là do giống già cỗi thoái hóa, sâu bệnh hoành hành, quy trình canh tác lạc hậu… Nấm Panama làm cho lá chuối héo úa, cây khô dần khiến nhà vườn phải chặt trắng hàng loạt vườn chuối để tránh bệnh lây lan.
Cây chuối cũng khá mẫn cảm với bệnh đốm lá Sigatoka, bệnh thối thân do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum, bệnh chùn ngọn (rụt ngọn), héo rũ do nấm Fusarium gây ra.
Trong nỗ lực ứng dụng công nghệ sinh học để cải tạo giống chuối La ba, Tiến sĩ Dương Công Kiên cùng các cán bộ khoa Sinh Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã thành công trong việc nhân giống bằng phương pháp cấy mô và đã sản xuất hàng ngàn cây giống sạch bệnh theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp tại Đà Lạt.
Phòng NN & PTNT huyện Đức Trọng cũng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam (NCCĂQMN) và một số đơn vị nghiên cứu phục tráng và phát triển giống chuối đặc sản La ba.
Ông Hoàng Văn Hùng – Phòng NN & PTNT huyện Đức Trọng cho biết đơn vị đã tổ chức cuộc thi trong toàn tỉnh để xác định chính xác loại chuối đặc sản La ba thuần chủng rồi thu thập, tuyển chọn cây chuối có hình thái và chất lượng tốt làm cây đầu dòng.
Mẫu của các cây chuối này được gửi về Viện NCCĂQMN để giám định bệnh hại bằng phương pháp ELISA và PRC rồi tiến hành nhân giống bằng nhiều cách (tách chồi con từ cây mẹ, nhân giống bằng củ …) nhưng hiệu quả nhất là nuôi cấy mô với quy trình công nghệ tiên tiến để có được thế hệ cây con ưu tú về di truyền, thuần chủng, sạch bệnh; đồng thời có thể nhân nhanh với số lượng lớn để hạ giá thành cây giống.
Chuối La ba có ưu thế cạnh tranh cao bởi là loại cây ngắn ngày, sau 1 năm đã có trái, ít tốn công chăm sóc, cho thu hoạch quanh năm, vừa ngon miệng lại vừa bổ dưỡng (nhiều Vitamin A, Vitamin C cùng các chất khoáng như Ca, P, Fe, Na, K).
Do đó, ngành nông nghiệp tổ chức nhiều điểm trình diễn chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và nhân giống vô tính loại chuối này cho nông dân; đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, quy chế sử dụng nhãn hiệu và hoàn thiện hồ sơ đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ; mặt khác sẽ thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực thu mua, chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chuối La ba khá giống các loại chuối già cui, già lùn, già hương…và trong thực tế, nhiều thương lái đã trộn lẫn các loại chuối trên để bán, khiến uy tín chuối La ba bị giảm sút.
Bởi thế, các nhà khoa học khuyến cáo một số đặc điểm để nhận biết chuối La ba: Cây cao từ 3 – 3,2 m, eo lá và vỏ bẹ lá có màu tím, buồng dài nhiều trái, quả chuối thon, dài và hơi cong; vỏ dày và bóng, khi chín có màu vàng tươi.
Vào mùa đông hay những lúc mưa nhiều, vỏ chuối có nhiều chấm đen li ti như đốm trứng cuốc.