Sự cố kênh Chợ Gạo vừa qua đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân trong vùng khi hàng ngàn tàu, thuyền chở nông sản, thủy sản, phân bón, vật liệu xây dựng… bị ùn tắc nhiều ngày trên dòng kênh. Bây giờ nhiều người mới chợt nhớ còn có 1 con kênh "Chợ Gạo" khác đang bị lãng quên suốt 30 năm qua. Đó là kênh Bảo Định, một trong vài con kênh xưa nhất ở xứ "Nam Kỳ lục tỉnh".
Chậm phát triển vì thiếu vắng kinh tế sông nước
Lịch sử cho thấy, đô thị ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ rất sầm uất khi nằm bên dòng sông lớn (hoặc nhiều nhiều dòng sông). Vùng đất Vũng Gù nằm bên sông Vàm Cỏ Tây thuộc thị xã Tân An ngày nay bỗng có cơ hội lớn trở thành ngã ba giao thương khi Chúa Nguyễn cho đào kênh Bảo Định vào đầu thế kỷ 18. Từ đó cho tới sau ngày miền Nam giải phóng, dòng kênh này là tuyến giao thông thủy tấp nập nối ĐBSCL với Sài Gòn.
Thị xã Tân An với vị trí ngã ba sông đã hưởng lợi rất nhiều từ dòng kênh. Vào năm 1977, trước yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho thị xã Tân An (tỉnh Long An), trong khi hoạt động giao thương lúc ấy trở nên đình trệ, kênh Bảo Định đã được đắp ngang tại điểm giáp với sông Vàm Cỏ Tây, thuộc thị xã Tân An.
Cảnh phồn thịnh, tấp nập giao thương “trên bến dưới thuyền” ngày nào được thay bằng cảnh đìu hiu hoang vắng suốt tuyến kênh dài 22km. Thị xã Tân An bỗng mất đi hoạt động kinh tế sông nước nhộn nhịp ngày nào.
Nhiều người cho rằng chính “cái chết” của kênh Bảo Định đã là nguyên nhân làm cho thị xã Tân An phát triển chậm đi rất nhiều.
Hai dòng kênh 2 số phận
Kênh Bảo Định và kênh Chợ Gạo giống nhau như 2 anh em ruột dù ra đời cách nhau gần 2 thế kỷ. Cả 2 cùng nối sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây, giúp cho việc giao thương bằng đường thủy giữa ĐBSCL và Sài Gòn ngắn đi rất nhiều.
Khi mới ra đời, cả 2 dòng kênh có chiều rộng ngang nhau, khoảng 30- 40 mét. Ngày nay kênh Bảo Định rộng khoảng 40 mét, còn kênh Chợ Gạo (do sạt lở và mở rộng) – rộng khoảng 100 mét.
Khi chưa bị đắp đập ngang, tàu thuyền tải trọng cở 200 tấn có thể lưu thông trên kênh Bảo Định. Ngày trước các chủ ghe (tải trọng thường không lớn lắm) từ miền Tây về chợ Lớn thích đi qua kênh Bảo Định hơn, nhờ rút ngắn được hành trình qua kênh tắt Thủ Đoàn về các bến sông sầm uất ở chợ Lớn.
Bây giờ thì bề mặt kênh Bảo Định luôn bị lục bình phủ kín, dòng kênh bị tù đọng. Nếu bây giờ khai thông kênh Bảo Định thì sẽ được gì và gặp khó khăn gì?
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu phá bỏ đập Bảo Định (để khai thông dòng kênh) thì phải giải quyết 2 vấn đề.
Thứ nhất, một số khu vực có thể bị nước mặn xâm nhập kéo dài khoảng 2 tháng vào mùa khô. Vấn đề này có thể giải quyết bằng các đập nhỏ cục bộ ven kênh. Bù lại nước biển vào có thể giúp phát triển nuôi trồng thủy sản.
Thứ hai, phải giải quyết 2 chiếc cầu bắc ngang kênh ở thị xã Tân An (khoang thông thuyền hẹp và thấp), trong đó có 1 chiếc đã gần 100 tuổi.
Chi phí để khắc phục những khó khăn đó là rất nhỏ so với những gì kênh Bảo Định đem lại, cho 2 tỉnh Long An – Tiền Giang và cả khu vực ĐBSCL, khi dòng kênh được “hồi sinh”.