Trong hai thập kỷ tới, người Mỹ sẽ sử dụng điện do những “cối xay gió” sản xuất ra nhiều hơn là từ các nhà máy điện hạt nhân. Dự báo này được Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) nêu trong báo cáo mới đây về triển vọng phát triển ngành năng lượng gió của nước này.
Dự báo đến năm 2030, năng lượng gió có thể tạo ra 20% sản lượng điện quốc gia, tương đương tổng công suất của các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ hiện nay. Sự phát triển chóng mặt như vậy của ngành năng lượng “sạch” này sẽ đặt ra một số thách thức lớn, song mục tiêu trên hoàn toàn có thể thực hiện được mà không cần một bước đột phá đáng kể nào về công nghệ. Nếu có chiến lược thích hợp, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực năng lượng tái tạo Andrew Karsner cho rằng có thể sản xuất điện từ gió trên phạm vi toàn quốc mà chỉ “tốn” chưa đến nửa cent cho mỗi kWh.
Năm 2007 được xem là năm nhảy vọt của ngành năng lượng gió ở Mỹ khi vốn đầu tư vào các nhà máy mới lên tới 9 tỉ USD và sản lượng điện tạo ra tăng tới 45%, theo Hiệp hội Năng lượng gió Mỹ (AWEA). Tuy nhiên, năng lượng gió chỉ mới đáp ứng 1% tổng sản lượng điện tiêu thụ của nước này.
Theo AWEA, hiện các nhà máy điện chạy bằng sức gió đã được lắp đặt tại 34 bang với tổng công suất hơn 16.000 MW/năm, mới đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt cho 4,5 triệu hộ dân. Mỹ đang tiếp tục triển khai xây dựng thêm các “nhà máy” phong điện mới, trong số này đáng chú ý là trang trại năng lượng gió lớn nhất nước ở sa mạc Mojave thuộc bang California. Khi hoàn thành vào năm 2010, cả 80 tua-bin gió ở đây sẽ sản xuất đủ điện sinh hoạt cho 56.000 hộ gia đình ở Los Angeles.
Trong quí 1 năm nay, ngành năng lượng gió Mỹ lắp đặt thêm hệ thống tua-bin mới với công suất 1.400 MW, sản xuất đủ điện cho thêm 400.000 hộ dân. AWEA cho rằng với việc lắp đặt thêm các tua-bin mới, tổng công suất của ngành năng lượng gió của Mỹ năm nay sẽ tăng lên 18.000 MW – đủ đáp ứng nhu cầu của 5 triệu hộ gia đình.
Theo tính toán của DOE, để đạt mức 20% tổng sản lượng điện quốc gia, các tua-bin chạy bằng sức gió sẽ phải sản xuất 300.000 MW điện, gấp gần 20 lần so với hiện nay. Điều này có nghĩa phải lắp đặt thêm hơn 75.000 tua-bin mới, và thậm chí nhiều tua-bin phải lớn hơn. Kèm theo đó là mạng lưới điện phải được mở rộng để tải điện từ các khu vực gió lớn tới những vùng khác của đất nước.
Mặc dù khá tốn kém và có nhiều khó khăn nhưng kế hoạch phát triển năng lượng gió của Mỹ theo DOE đánh giá là rất có tính khả thi. Thách thức chủ yếu là nó đòi hỏi sự cải tiến công nghệ tua-bin và mở rộng hệ thống truyền tải điện cũng như thị trường tiêu thụ nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này để đạt mức tăng 16.000 MW điện/năm, bắt đầu từ năm 2018, cao gấp 5 lần so với mức tăng hiện nay.
Nếu tỷ trọng điện từ gió của Mỹ đạt 20%, DOE ước tính lượng tiêu thụ khí đốt và than dự kiến sẽ giảm lần lượt là 11% và 18% vào năm 2030. Kết quả là lượng khí CO2 – thủ phạm làm Trái đất nóng lên – thải vào bầu khí quyển cũng sẽ giảm 825 triệu tấn mỗi năm, tương đương với việc “cất” 140 triệu ô tô trong ga-ra.