Để phục vụ cho việc xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang, từ năm 2006, tỉnh Bắc Kạn đã có quết định di dời 58 hộ dân với 320 nhân khẩu khỏi thôn Tà Kèn, thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn về nơi định cư mới. Nhưng số hộ đã về nơi tái định cư chưa ổn định sản xuất đã nhấp nhổm bỏ đi. Còn 19 hộ cố trụ lại Tà Kèn luôn bị hà bá đe dọa, lũ lên tới đâu, bà con lùi tới đó…
Cố thủ trước miệng “hà bá”
Mùa lũ đến, thôn Tà Kèn nằm lọt thỏm giữa bốn bề sông nước, núi non bao bọc. 19 hộ dân cố trụ nơi này nằm rải rác dưới các chân núi cao. Rẽ vào nhà ông Nông Quang Hướng. Nói là nhà nhưng chỉ là một cái lán dựng tạm bợ, liêu xiêu.
“Chúng tôi không dám dựng nhà cho chắc chắn, khang trang. Vào mùa lũ, nước dâng cao, chúng tôi lại chạy lùi lên sườn núi. Ba năm rồi, mùa lũ nào cũng chạy vậy”, ông Hướng ngao ngán nói. Khó khăn thường trực của người dân nơi đây là bị cô lập trong bốn bề sông nước. “Muốn mua gói mì tôm, hộp kem đánh răng cũng phải đi qua đò, xuống tận Đà Vị cách 4km mới mua được”, ông Hướng nói thêm.
Ông Hướng đưa sang nhà ông Nông Văn Chưởng, Phó trưởng thôn Tà Kèn. Ông Chưởng lý giải: “Chúng tôi chưa muốn di dời, bởi điều kiện sống ở Tà Kèn tốt hơn nhiều so với nơi tái định cư”.
Tà Kèn tiếp giáp với huyện Na Hang (Tuyên Quang), kề bên Vườn Quốc gia Ba Bể. Dân Tà Kèn có thể kiếm hàng triệu đồng mỗi tháng nhờ dịch vụ chở khách sang hồ du lịch. Ngoài ra, đất canh tác ở Tà Kèn phì nhiêu, trồng ngô cho năng suất cao nên mọi người vẫn nấn ná ở lại, bất chấp sự đe dọa của nước lũ.
“Cố thủ” ở Tà Kèn, người dân lại không tính đến phần thiệt thòi đổ lên vai con em mình. Hiện, còn 20 học sinh tiểu học ở lại với gia đình. Ngôi nhà dùng làm lớp học giờ mục ruỗng, méo mó đến thảm, có thể đổ bất cứ lúc nào.
Lớp học bị giải thể, học sinh bơ vơ. Nhiều em phải theo gia đình làm nương, đánh bắt cá kiếm ăn, “quên” hẳn việc học hành. Một vài gia đình, như ông Hưởng, gửi con em sang thôn Đà Vị, Yên Hoa để học nhờ. Nhưng mỗi ngày các em phải đi hàng chục kí lô mét qua sông, vượt núi để tới lớp, rất cực khổ. “Không phải chúng tôi chống đối đến nơi tái định cư, nếu Khau Ban tốt hơn ở Tà Kèn, chúng tôi đã lên từ lâu rồi”, ông Chưởng phân trần.
“Nhấp nhổm” trên khu tái định cư
Có 25 hộ dân thôn Tà Kèn chuyển sang khu tái định cư Khau Ban, thuộc xã Khang Ninh, huyện Ba Bể. Đã 2 năm định cư ở nơi mới, người dân rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Bởi, khu tái định cư nằm chênh vênh trên sườn núi. Mới vào mùa mưa, đất cát ruộng vườn, nhà cửa bị nước xối đi ầm ầm.
Mấy hôm mưa to, anh Triệu Văn Mười thấp thỏm không yên. Đêm ngủ, nghe tiếng nước xối xuống mà giật mình thon thót. “Nói gở mồm, đêm ngủ nếu lũ quét bất ngờ thì cả nhà cửa, con cái trôi tuột theo lũ mất”, anh Mười than.
Anh dẫn ra điểm lở cách nhà chừng chục mét. Hai điểm sạt lở lớn, mở miệng toang hoác. Mỗi điểm dài tới 20m, rộng gần 10m. Còn gia đình chị Hà Thị Lưu ở gần đó, nước xối qua, để lại một rãnh nước rộng hàng mét giữa nhà. Không thể chịu được, gia đình chị lại nhấp nhổm trở về Tà Kèn.
Theo như quan sát, nền khu tái định cư Khau Ban được bố trí theo hình bậc thang, kè bằng hệ thống bê tông đá. Nhưng chỉ sau một đợt mưa to, nhiều đoạn kè đá bị sụt lở từng vạt lớn. Kè được chêm thêm những bao tải cát nhưng đã có dấu hiệu bục, lủng gần hết. Không chỉ vậy, ngay từ ngày đầu lên khu tái định cư, người dân đã phải nhận những ngôi nhà… nghiêng.
Chỉ nhìn bằng mắt thường, chúng tôi cũng nhận thấy nền nhà dốc như cái bập bênh, chênh nhau đến vài chục phân. Ông Nông Văn Đô, Trưởng thôn Khau Ban, “thí nghiệm” bằng cách lấy chậu nước đổ xuống cuối nhà, nước cứ vậy chảy thẳng tuột ra cửa!
Nhà cửa đã vậy, còn đất canh tác phân phát cho người dân cũng không khá hơn. Dẫn chúng tôi ra bãi đất ven sườn đồi, ông Đô ngao ngán nói: “Đất trồng trọt chúng tôi được cấp toàn đá hộc, đá tảng lổn nhổn. Rất khó canh tác. Có nhà còn được phân mảnh đất có chiều rộng chừng 1m, dài như cái thuổng. Làm sao mà canh tác đây?”.
Nhà anh Nông Văn Thăng còn bi đát hơn. Mới đây, mảnh ruộng nhà anh mới gieo cấy, qua một đêm mưa tầm tã, sáng ra cả mảnh ruộng không cánh mà bay, chỉ trơ lại toàn bùn, đất với cát. Giờ anh để hoang ruộng vườn, đi làm thuê kiếm kế sinh nhai.
Theo ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng ban quản lý dự án di dân, tái định cư Khang Ninh – huyện Ba Bể (thuộc Dự án xây dựng thủy điện Tuyên Quang), công trình chưa được bàn giao chính thức mà chỉ mới tạm nghiệm thu cho dân lên ở để kịp tiến độ. Những sự cố hư hỏng nền nhà, kè sạt lở, đơn vị thi công sẽ khắc phục, sửa chữa. “Về đất nông nghiệp ở Khau Ban, nói rằng Ban quản lý dự án phân bổ cho dân đất xấu, không canh tác được là không đúng. Chúng tôi đã loại ra 3,1ha đất có nhiều đá, gốc cây, sình lầy; còn lại 11,1ha là đất canh tác được”, ông Ba khẳng định.