Hiện nay, tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), tình trạng nhiều công ty sản xuất cố tình vi phạm Luật Bảo vệ môi trường bất chấp cảnh báo, thanh tra, xử phạt nhiều lần của cơ quan chức năng.
Môi trường trở bệnh nặng
Điểm lại chất lượng môi trường nước trên địa bàn TP, ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường bức xúc cho biết, đến thời điểm này, kết quả kiểm tra cho thấy vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện nghiêm việc xử lý nước thải.
Cụ thể, khu công nghiệp (KCN) Bình Chiểu, Cát Lái, Phước Hiệp, Tân Phú Trung, Tây Bắc Củ Chi, Vĩnh Lộc chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Toàn bộ nước thải từ các nhà máy, công ty tập trung về một hồ chứa chung rồi thải ra cống thoát nước của khu dân cư. Vì chưa qua xử lý nên toàn bộ khối lượng nước thải của các đơn vị trên đều gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nồng độ các chất đều vượt từ vài chục đến vài chục ngàn lần tiêu chuẩn cho phép.
Không chỉ vậy, với những KCN đã có hệ thống xử lý nước thải như Linh Trung 1, 2, Lê Minh Xuân, Tân Bình, Tân Thuận, Tân Tạo thì chất lượng nước sau xử lý cũng chưa đạt yêu cầu quy định khiến “bệnh môi trường” của TP càng trở nên nặng hơn.
Hơn nữa, nồng độ ô nhiễm của nước thải tại khu vực cống chung còn cao hơn gấp nhiều lần so với nước thải sau xử lý. Điều này chứng tỏ vẫn còn tồn tại nhiều doanh nghiệp (DN) cố tình chưa thực hiện việc đấu nối hệ thống thải nước vào hệ thống nước thải chung của hệ thống xử lý nước thải tập trung các KCN.
Điển hình như tại KCN Tân Bình, nồng độ coliform tại trạm xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép là 84,6 lần, còn ở cống chung là 1.580.000 lần, nhu cầu oxy sinh hóa vượt 2,17 lần, nhu cầu oxy hóa học vượt 3,65 lần.
Tương tự, tình trạng trên cũng xảy ra phổ biến tại KCN Lê Minh Xuân. Theo đó, coliform tại trạm xử lý vượt tiêu chuẩn cho phép 72 lần, còn tại cống thải chung 81.000 lần…
Đó là chưa kể còn hàng trăm DN hoạt động ngoài các KCX-KCN cũng đang từng ngày từng giờ xả thẳng nước thải sản xuất chưa xử lý vào hệ thống thoát nước sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị Dụ, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, chỉ tính 6 tháng đầu năm, thanh tra sở tiến hành thanh tra tình hình xử lý nước thải của 106 DN thì có đến 98 DN bị xử phạt vì vi phạm xả thải không đạt chất lượng.
Điều trị: Cần “kháng sinh liều cao”
“Thực tế trên đang làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng nguồn nước cấp sinh hoạt cho người dân TP”, ông Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh. Bởi lẽ những nhánh kênh, rạch đổ ra sông Sài Gòn, nhất là đoạn được chọn làm nguồn nước cấp cho sinh hoạt (trong phạm vi 15km từ trạm bơm nước thô Hòa Phú) đều chứa một lượng lớn chất gây ô nhiễm.
Cụ thể rạch Bà Bếp là nguồn dẫn chất thải của khu dân cư sống trên lưu vực và cụm công nghiệp Tân Quy; sông Thị Tính dẫn chất thải sinh hoạt và các cơ sở sản xuất từ huyện Bến Cát đến Bình Dương; Rạch Tra mang chất thải của KCN Tân Phú Trung; rạch Bà Hồng dẫn chất thải từ các cơ sở chăn nuôi và sinh hoạt của người dân huyện Hóc Môn; cuối cùng là một lượng lớn chất thải sinh hoạt và công nghiệp từ thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương và xã Bình Mỹ huyện Củ Chi. Hiện tại khu vực sông này đã và đang bị ô nhiễm nặng COD, BOD, Coliform, Mn, Amoniac…
Vậy, vai trò của thanh tra trong vấn đề này như thế nào? Bà Nguyễn Thị Dụ cho biết, việc thanh tra, xử phạt những DN gây ô nhiễm môi trường là việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại tình trạng các DN bị “lờn thuốc”. Và nguyên nhân hiện tượng này là do “kháng sinh điều trị” có liều lượng quá thấp. Thẩm quyền thanh tra sở chỉ được xử phạt tối đa là 30 triệu đồng – số tiền quá thấp so với lợi nhuận DN thu được nếu không xử lý nước thải, vì vậy mà hiệu quả điều trị chưa triệt để.
Điển hình như các công ty Hoa Tiến (nhuộm vải tại KCN Tân Bình); Tường Trung (sản xuất cồn), An Tiến Lợi (sản xuất cồn), Nghiệp Hưng (sản xuất cồn), cơ sở muối Thông Tín (sản xuất muối) tại KCN Tân Phú Trung; Nguyễn Vượng (sản xuất bún); An Thiên (xeo giấy) tại huyện Hóc Môn; An Thái, Huệ Linh (sản xuất màng nhựa) KCN Vĩnh Lộc… mặt dù đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn cố tình tái phạm.
Trước thực tế trên, một mặt sở đã tăng cường kiểm tra và xử phạt những DN vi phạm. Mặt khác, đề xuất với UBND TP ngưng hoạt động những trường hợp DN vi phạm Luật Bảo vệ môi trường nhiều lần. Từ đầu năm đến nay, sở đã ban hành 98 quyết định xử phạt và đề nghị UBND TP áp dụng biện pháp ngưng hoạt động 11 DN.
Có thể nói, biện pháp buộc ngưng hoạt động những DN cố tình vi phạm, tái vi phạm Luật Bảo vệ môi trường là biện pháp khả thi và hiệu quả nhất nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay, nhất là khi việc điều trị căn bệnh này bằng biện pháp xử phạt đang bị “lờn thuốc”.