Theo số liệu của Tổ chức Công ước quốc tế về cấm buôn bán các loài động vật hoang dã quý hiếm (CITES) tại Việt Nam, hiện cả nước có 4.041 cơ sở chăn nuôi động vật hoang dã được CITES cấp phép có quy mô vừa và nhỏ (chủ yếu là tư nhân). Trong tổng số 1.984.124 cá thể được nuôi tại các cơ sở này có 7 loài thuộc lớp ếch nhái, 40 loài bò sát, 3 loài chim và 58 loài thú; bao gồm 58 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và 48 loài có tên trong Nghị định 32/2006 NĐ-CP.
Những địa phương có nhiều cơ sở chăn nuôi lớn nhất gồm Hà Tĩnh (60 gia đình nuôi 5.669 con hươu sao), Nghệ An (40 gia đình nuôi 3.716 con hươu sao). Các trang trại, gia đình ở Bình Phước nuôi 984 con lợn rừng. Bình Dương là địa phương nuôi nhiều hổ nhất (47 con).
Công ty Nafovanny tại Long Thành (Đồng Nai) nuôi 5.500 con khỉ đuôi dài. Nhiều gia đình ở vùng Trị An (Đồng Nai), Gò Sao (Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), EAKAO (Đắk Lắk), Đà Lạt, Gia Lai…cũng nuôi hươu, nai, lợn rừng, với số lượng ít.
Thực tế cho thấy, việc nuôi nai ở Tây Nguyên đã góp phần tham gia bảo tồn nguồn gen cho loài này, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng. Các hộ dân tận dụng lao động nông nhàn, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại nương rẫy để nuôi nai. Tính ra sau một năm bỏ vốn đầu tư, mỗi con nai cái được lãi hơn 2,5 triệu đồng, mỗi con nai đực lãi trên 4,6 triệu đồng. Vì thế đàn nai ở Đắk Lắk mỗi năm tăng từ 10-12%. Việc nuôi phục hồi hươu sao cũng góp phần giảm đói nghèo cho nhiều hộ vùng Tây Nguyên.
Theo các chuyên gia thì số lượng nuôi động vật hoang dã trên đây chưa phải nhiều và cũng chưa phải là con số chính xác. Từ năm 1996, theo Chỉ thị 359 (ngày 29/05/1996) có “khuyến khích các tổ chức cá nhân gây nuôi động vật hoang dã bao gồm các loài quí hiếm trong khuôn khổ pháp luật để có sản phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu” và trong kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường kiểm soát buôn bán động, thực vật hoang dã đến năm 2020 của Chính phủ cũng đề cập tới việc nuôi thử nghiệm một số loài để đề xuất mô hình, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết để phát triển gây nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo một số loài động thực vật hoang dã.
Nếu việc nuôi động vật hoang dã quí hiếm được tiến hành một cách thận trọng, đúng luật pháp,được kiểm soát chặt chẽ và được tạo điều kiện, thì chắc chắn ngày càng có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó có những cộng đồng dân cư đang “sống chung” với rừng.