Con số đáng báo động trên được Bộ trưởng Môi trường Đức – Sigmar Gabriel công bố tại Hội nghị Bảo vệ Thiên nhiên thế giới của Liên Hiệp Quốc, diễn ra thành phố Bonn của Đức từ ngày 19 đến 30/05.
Qui tụ khoảng 5.000 chuyên gia đến từ 191 quốc gia và vùng lãnh thổ, hội nghị tập trung xem xét việc thực thi Hiệp định bảo vệ thiên nhiên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) có hiệu lực từ năm 1993, nhằm bảo đảm việc giữ gìn và bảo vệ sự phong phú và đa dạng của môi trường sinh thái.
Bộ trưởng Môi trường nước chủ nhà cho biết hiện nay mỗi ngày thế giới mất đi 150 trong tổng số 1,7 triệu loài động thực vật. Riêng tại Đức, sự tồn tại của 1/3 số loài thực vật, trong đó ¼ số loại thảo dược đang bị đe dọa. 50% dược liệu sử dụng hiện nay ở Đức là dựa vào nguồn thảo dược, trong đó nhiều loại nằm ở các khu rừng già bị đe dọa tàn phá. Trong khi đó, báo cáo “Chỉ số hành tinh sống” của Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) cho biết từ đầu thập niên 1970 đến nay dân số các loài động vật, cá và chim sống trong tự nhiên giảm trung bình gần 1/3 (27%).
Khảo sát dân số của 4.000 loài từ hổ Amur, đười ươi cho đến rùa xanh, gấu Bắc cực từ năm 1970 đến 2005, WWF nhận thấy số cá thể động vật sống trên cạn giảm 25%, sinh vật biển giảm 28%, sinh vật nước ngọt giảm 29%.
Các nhà khoa học cho rằng, những loài biến mất khỏi Trái đất nhiều nhất là “nạn nhân” của tình trạng đánh bắt quá mức, mở rộng diện tích canh tác dẫn đến thu hẹp môi trường sống của các loài, mua bán động vật hoang dã, ô nhiễm môi trường hoặc biến đổi khí hậu, tất cả đều do hành vi của con người gây ra.
Các chuyên gia LHQ còn cho rằng, hoạt động của con người, bao gồm việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, đe dọa sẽ gây ra thời kỳ tuyệt chủng tồi tệ nhất trên Trái đất kể từ khi khủng long bị diệt vong cách đây 65 triệu năm. Chương trình Môi trường LHQ thống kê hiện có hơn 16.000 loài động, thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Nếu không chặn đứng tình trạng tuyệt chủng của nhiều loài động, thực vật đang ở mức báo động hiện nay, các chuyên gia cho rằng con người chứ không ai khác sẽ nhận lãnh hậu quả một khi sự đa dạng của môi trường sinh thái bị mai một và mất đi. Cụ thể trong tương lai, thế giới có nguy cơ đánh mất một lượng lớn thuốc kháng sinh, liệu pháp chữa trị viêm nhiễm và nhiều căn bệnh khác, kể cả ung thư, từ thảo dược.
“Không một ai có thể thoát khỏi tác động của môi trường bởi sự đa dạng sinh học toàn cầu giảm đồng nghĩa với việc nhân loại sẽ ít có dược phẩm mới được bào chế (do nguồn dược liệu từ cây cỏ không còn), sẽ hứng chịu nhiều ảnh hưởng hơn của hiện tượng Trái đất ấm nóng…”, James Leape, tổng giám đốc WWF cảnh báo.