Tổng thu ngân sách mỗi năm lên tới vài ngàn tỷ đồng, Vĩnh Phúc đã dần “lột xác”, trở thành điểm sáng trong quá trình công nghiệp hoá ở nước ta. Mô hình “đổi đất dịch vụ” và tập trung phát triển công nghiệp bền vững, tạo đà tái đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, mà trực tiếp là đầu tư cho người dân bị thu hồi đất của tỉnh này rất đáng để suy ngẫm.
Kỳ 1: “Chị Hai năm tấn” cũng chán… ruộng!
Kỳ 2: Mất đất, mất cả cơ nghiệp
Kỳ 3: Đô thị hóa và công nghiệp hóa
Điểm nhấn Quang Minh
Từ Thủ đô Hà Nội qua cầu Thăng Long, trên con đường dẫn lên sân bay Nội Bài, phóng tầm mắt về phía bên trái là san sát nhà máy hiện đại nằm trong khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh) – Mô hình kiểu mẫu của tỉnh Vĩnh Phúc về triết lý “lấy công hỗ nông” – lấy lợi nhuận từ công nghiệp để tái đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Còn nhớ, ngay từ năm 2002 UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thành lập và xây dựng 2 KCN và KĐT, trong đó có KCN Quang Minh; và gần đây khu vực này có thêm Tổ hợp Thương mại Melinh Plaza.
Theo thống kê của tỉnh Vĩnh Phúc, hơn 1.400 hộ dân trong xã Quang Minh đã bị Nhà nước thu hồi gần 600 héc-ta (tương đương 70% diện tích đất canh tác). Khi đó, người dân xã Quang Minh rất hụt hẫng, băn khoăn vì không biết sẽ sinh sống ra sao, khi mà đất canh tác đã bị thu hồi gần hết, đặc biệt đối với những hộ dân không còn tấc đất nông nghiệp nào.
Nhiều cuộc họp từ cấp thôn, xã, huyện rồi tỉnh đã được tổ chức để bàn biện pháp giải quyết. Hàng loạt ý kiến trái chiều tại các cuộc họp này, khiến cho tình hình càng thêm căng thẳng. Đơn từ khiếu kiện được gửi đến nhiều cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Ngọc Phi – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ sự lo lắng, nhưng ông mạnh dạn khẳng định sẽ nâng cao đời sống người dân nơi đây bằng những chính sách cởi mở, thiết thực.
Và sau 6 năm, từ một xã nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, Quang Minh đã “lột xác” hoàn toàn, trở thành một xã công nghiệp, gần 100% đường giao thông thôn, xóm đã được bê tông hoá, 13 trạm điện được lắp đặt mới, 3 trường học, 1 trạm xá quy mô hiện đại…
Theo cam kết của UBND tỉnh, Nhà nước cứ lấy 20 héc-ta đất nông nghiệp để xây dựng KCN thì sẽ tái đầu tư cho địa phương 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong gần 5 năm qua, cả xã đã nhận được khoảng 40 tỷ đồng từ quỹ tái đầu tư này.
Điều lo lắng nhất đối với cả chính quyền và nhân dân xã Quang Minh chính là vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nằm trong diện bị thu hồi đất cũng được hóa giải khá thành công. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc, trong số 12.000 lao động tại Quang Minh, đã có hơn 3.000 người được nhận vào làm việc ổn định tại các nhà máy đóng trên địa bàn.
Hầu hết các lao động trong xã đều tỏ ra phấn chấn. Chị Hoàng Mai Hương, công nhân nhà máy Canon nói: “Lúc trước, tôi tưởng không kiếm được công ăn việc làm thì gay, vì gia đình tôi đã bị thu hồi hết đất sản xuất. May mà các nhà máy ở đây, thực hiện cam kết với tỉnh, đã nhận nhiều lao động như chúng tôi, đào tạo thành nghề rồi phân công công việc, có thu nhập ổn định”.
Anh Nguyễn Văn Thành, công nhân của một công ty sản xuất dây cáp điện tâm sự: “Cả hai vợ chồng tôi đều là công nhân ở đây. Lương của vợ chồng tôi hiện khoảng 5 triệu đồng/tháng. Đời sống gia đình khá hơn nhiều so với trước kia làm nông nghiệp…”.
Cũng do KCN sầm uất, với hàng nghìn công nhân nên nhu cầu tiêu dùng rất cao. Nhiều người dân trong xã đã thuê đất mở cửa hàng dịch vụ. Nhiều gia đình có dư đất thổ cư thì xây nhà cho công nhân thuê.
Lấy công hỗ nông và mô hình “đổi đất dịch vụ”
Theo ông Nguyễn Ngọc Phi – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: “Hiện tỉnh này có 7 KCN đang hoạt động, 5 KCN khác đang hình thành và 30 cụm CN khác đang quy hoạch. Dự kiến đến 2010 tỉnh này sẽ phải thu hồi 4.500 héc-ta đất nông nghiệp để xây dựng KCN. Theo đó, khoảng 10.000 hộ dân với 40.000 nhân khẩu đã và sẽ bị ảnh hưởng từ việc thu hồi đất”.
Nhận thức việc phát triển công nghiệp là tất yếu nhưng đảm bảo sản xuất nông nghiệp là quan trọng hàng đầu nên quan điểm của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc là hạn chế tối đa việc thu hồi đất ở những diện tích màu mỡ, mà tập trung ở các vùng gò đồi, khó canh tác.
Do đó, tỉnh này đã lập quy hoạch KCN xa mặt đường quốc lộ, tiến sâu vào các khu dân cư khó khăn, đất đai khô cằn. Tiêu biểu cho ý chí này chính là KCN mới quy hoạch, rộng hơn 300 héc-ta, tại vùng đất đồi ở Bá Thiện (huyện Bình Xuyên), cách Quốc lộ 2 gần 20 km.
Ông Nguyễn Văn Khải – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc cho biết: “Đối với những địa phương có diện tích đất bị thu hồi thì tỉnh có cơ chế hỗ trợ tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Địa phương nào bị thu hồi nhiều thì tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ đặc biệt, đảm bảo để địa phương có điều kiện phát triển tương xứng”.
Được biết, hiện Vĩnh Phúc đang quy hoạch gần 20 khu dịch vụ liền kề các KCN, KĐT để thực hiện phương thức “đổi đất dịch vụ” cho các hộ nông dân bị thu hồi đất. Theo chính sách này, các hộ dân bị thu hồi đất (nhất là các hộ bị thu hồi hết đất canh tác) sẽ được đổi lấy các kiốt kinh doanh. Các kiốt này có diện tích 50m2 – 100m2.
Mô hình “đổi đất dịch vụ” của Vĩnh Phúc là một sáng kiến, được nhiều người, nhiều địa phương thừa nhận, ủng hộ. Mô hình này rất có ý nghĩa, nhất là đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho các lao động từ 35 tuổi trở lên, khó tìm được việc làm sau khi bị thu hồi đất.
Theo Ban Quản lý bồi dưỡng nghề cho nông dân (thuộc Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc), mục tiêu của tỉnh này là đến năm 2010 sẽ đào tạo nghề cho khoảng 200.000 người, với mức hỗ trợ 250.000 đồng/người/tháng.
Cùng đó, theo cam kết của UBND tỉnh, khi nhận lao động vào làm việc, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 100.000 – 200.000 đồng/người để đào tạo nghề cho công nhân. Tỉnh cũng hỗ trợ cho lao động tự đi tìm việc, với mức 300.000-700.000 đồng/người…