Cần phát triển kinh tế xã hội theo hướng tiết kiệm tài nguyên nước

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam cho rằng: “Điều chỉnh lại chiến lược phát triển kinh tế-xã hội tại 2 vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long, kể cả các tỉnh ven biển miền Trung theo hướng sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước là vấn đề cấp bách hiện nay, nhằm đối phó với tình trạng khô hạn do biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang gây ra”.

Tài nguyên nước trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 850 tỷ m3/năm, trong đó lượng sinh thủy nội địa chỉ khoảng 350 tỷ m3/năm, phần lớn lượng nước còn lại phải trông chờ vào nguồn nước quá cảnh từ nước ngoài chảy vào.

Hai hệ thống sông Hồng và sông Mekong đảm trách lượng nước quá cảnh hàng năm, trong khi do sự tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến băng hà trên dãy Himalaya sẽ tan dần khiến nguồn nước cung cấp cho hai dòng sông sẽ bị giảm. Buộc các quốc gia trên thượng nguồn hai con sông này phải xây dựng nhiều hồ, đập trên cả các sông nhánh để trữ nước (hiện đã xây 45 đập nước lớn nhỏ), nên nguy cơ thiếu nước cho các vùng hạ lưu của Việt Nam và một số nước trong khu vực, trong đó có hai vùng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất ở nước ta, vừa là vùng kinh tế năng động sẽ bị thiếu nước, nhất là cho nhu cầu phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa nơi đây.

Để khắc phục nguy cơ thiếu hụt nguồn nước cho phát triển kinh tế-xã hội, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, đồng thời Bộ xây dựng dự thảo các Thông tư hướng dẫn việc thu nộp, sử dụng lệ phí cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo hướng tiết kiệm hơn.Nhất là thúc đẩy các địa phương quan tâm và nhận thức rõ về vai trò của mình để có những việc làm thiết thực quản lý tài nguyên nước trên địa bàn.

Tuy vậy, công tác quản lý tài nguyên nước ở nước ta hiện vẫn còn phân tán, chồng chéo chức năng giữa một số Bộ. Mặt khác, nước ta vẫn chưa có quy hoạch tổng thể, chính sách khuyến khích tiết kiệm tài nguyên nước và quản lý chất lượng nguồn nước một cách thỏa đáng.