Gần một tháng trở lại đây, dòng sông Đặt đoạn qua xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa luôn ô nhiễm nặng nề bởi tình trạng khai thác vàng trái phép. Nguồn tài nguyên quý hiếm đang bị khai thác bừa bãi, nhưng không hiểu vì lý do gì mà chính quyền nơi đây bó tay?
Từ dòng sông bị ô nhiễm
Có mặt tại dòng sông Đặt vào một ngày đầu tháng 5, mới hay những lời phản ánh của người dân nơi đây về việc ô nhiễm nguồn nước do tình trạng khai thác vàng bừa bãi là có thật: cả một khúc sông đỏ ối, đục ngầu.
Xin được nói thêm rằng Chương trình Nước sạch 135 của Chính phủ ba năm nay không thể đi vào hoạt động và nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân thị tứ đều lấy từ chính dòng sông này.
Chiếc máy khai thác vàng đang được bí mật trá hình bằng hình thức khai thác cát luôn hoạt động hết công suất cả ngày lẫn đêm. 10 thợ máy thay nhau vận hành máy đãi vàng – sàng lọc, phân loại thành cát, vàng và quặng… mặc dù biết có người để ý nhưng những người thợ này vẫn “phớt lờ” và tiếp tục điều khiển máy múc từng đụn cát để sàng lọc, tìm vận may đổi đời. Mọi hoạt động từ ăn, uống, ngủ đều diễn ra trên chiếc tàu. Những người đi ngang qua đây chỉ nghe thấy tiếng máy chạy và nhìn thấy dòng sông đang bị nạo vét ngang nhiên mà thôi.
Cũng tại nơi chiếc tàu khai thác vàng hoạt động, dòng sông có hai màu khác biệt, ngược lên phía thượng lưu, thuộc địa phận làng Lùm Nưa là dòng nước trong xanh nhưng khi xuôi theo dòng chảy về hạ lưu bắt đầu từ địa điểm khai thác vàng, dòng sông chuyển sang đục ngầu do bị ô nhiễm. Hàng trăm hộ dân sinh sống ven sông đoạn gần chiếc tàu khai thác vàng đang hàng ngày phải dùng nguồn nước ô nhiễm này.
Được biết, chiếc tàu khai thác vàng, khoáng sản kia là của một ông chủ người địa phương. Để hợp lý hóa việc khai thác vàng này, ông đã thành lập Hợp tác xã khai thác cát, sỏi nhưng không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đến việc khai thác vàng trái phép
Theo chân hai người đi đánh cá, tiến lại gần nơi khai thác vàng, mới thấy hết quy mô của chiếc máy và những hoạt động ngang nhiên của những người được mệnh danh là “vàng tặc” – người trên máy thì vận hành cho máy cuộn từng vòng lưỡi múc nạo từng khúc ruột của dòng sông rồi đưa qua hệ thống sàng lọc, còn những người dưới sông dùng máng gỗ để đãi vàng. Suốt dọc con sông gần 2km là những đống đá ngổn ngang nằm chắn ngang dòng chảy, thoạt nhìn cứ tưởng như những con kè mà địa phương đã chủ động chuẩn bị cho mùa mưa, lũ năm nay. Nhưng không đó là những đống đá do quá trình khai thác vàng của chiếc máy thải ra.
Theo người đánh cá cho biết, phía thượng nguồn của con sông Đặt là xã Xuân Chinh, giáp ranh với xã Vạn Xuân, nơi đây được dự báo có một mỉa vàng lớn, năm ngoái ở bãi vàng Xuân Chinh xảy ra tình trạng khai thác vàng trái phép nhưng đã được chính quyền huyện Thường Xuân dẹp bỏ. Do vậy, không loại trừ khả năng dòng sông Đặt cũng nằm trong khu vực mỉa vàng Xuân Chinh.
Qua tìm hiểu, hiện nay trên địa bàn xã Vạn Xuân đang xây dựng các công trình cơ bản như: tuyến đường thị tứ, trạm khuyến lâm, chợ thị tứ Xuân Lộc, đặc biệt là các công trình phụ của công trình Thủy lợi – Thủy điện Cửa Đạt nên nhu cầu cát, sỏi phục vụ cho các công trình này tương đối nhiều. Lợi dụng bối cảnh trên, ngoài việc khai thác vàng chiếc tàu kia còn tranh thủ hút cát, sỏi từ dòng sông Đặt lên để bán.
Làm việc với chính quyền xã Vạn Xuân, ông Cầm Bá Chiến, Chủ tịch UBND xã cho biết, chủ nhân của chiếc tàu khai thác vàng trái phép trên sông là ông Nguyễn Chí Thanh (một chủ kinh doanh ở thị tứ Bù Đồn). Trước sự việc trên, UBND xã đã nhiều lần triệu tập ông Nguyễn Chí Thanh và có lệnh đình chỉ việc khai thác vàng, khoáng sản trái phép nhưng ông Thanh không chấp hành, mà vẫn ngày đêm tiếp tục khai thác, bất chấp sự can thiệp của chính quyền địa phương.
Trao đổi với ông Vi Hoài Kham, Chủ tịch UNBD huyện Thường Xuân về tình trạng này, ông Kham cho biết, huyện Thường Xuân không cấp bất cứ một giấy phép nào liên quan đến hoạt động khai thác vàng, khoáng sản cho ông Nguyễn Chí Thanh. Ông cũng không hề hay biết việc có máy khai thác vàng trái phép gây ô nhiễm môi trường ở sông Đặt. Ngay sau khi nhận thông tin này, huyện Thường Xuân sẽ cử cán bộ lên địa điểm khai thác trên để kiểm tra và tiến hành thu giữ tang vật, xử lý vụ việc.
Hàng ngày, hàng giờ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở xã Vạn Xuân đang bị khai thác vô tội vạ mà không có sự kiểm soát của các ngành chức năng; hơn nữa hàng ngàn người dân đang bị đe dọa đến sức khỏe, khi họ không còn sự lựa chọn nào khác là hàng ngày vẫn phải dùng nước của dòng sông đục ngầu này. Phải chăng chính quyền sở tại bất lực trước sự chây ỳ của cá nhân hay còn vì một lý do nào khác? Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với huyện Thường Xuân sớm vào cuộc để giải quyết vụ việc này.