Vụ xuân năm 2008, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Bắc Trung bộ triển khai đầu tư làm 3 ha lạc L14, L20 và Shán dầu 30 theo mô hình lạc xuân năng suất cao tại Diễn Lộc (Diễn Châu) và Nam Tân (Nam Đàn)- Nghệ An và đã thu được kết quả rất đáng ghi nhận.
Tại mô hình, bà con nông dân triển khai phân bón theo công thức: 15 tấn phân chuồng + 1.000 kg NPK loại 3-9-6 và 225 kg lân/ha. Phân chuồng được trộn lân (tỷ lệ 15kg/tấn phân chuồng) để ủ trước 15-20 ngày. Trước khi bừa lần cuối, bà con được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn rải 70% lượng vôi bột trên ruộng. Sau khi lên luống bón lót số phân chuồng, phân sinh học tổng hợp và phân NPK theo rãnh gieo rồi phủ kín một lớp đất và tiến hành gieo hạt.
Luống lạc được thiết kế theo hướng đông – tây để tận dụng tối đa lượng bức xạ của mặt trời. Mật độ 44 cây/m2, gieo 2 hạt/hốc, hạt cách hạt 2-3cm. Lạc được gieo và phun thuốc trừ cỏ xong thì tiến hành phủ nilon. Khi 2 lá mầm cây lạc xoè ra thì tiến hành đục lỗ. Trong quá trình chăm sóc, bà con còn được hướng dẫn phun một số loại phân vi lượng như Bio – Plant và Pro – Plant do Công ty TNHH NAB cung cấp…
Điều làm bà con nông dân xã Diễn Lộc vui mừng là năng suất lạc vượt gấp 2,5 lần với vụ lạc xuân năm ngoái. Tại ruộng lạc các đại biểu về dự hội thảo đầu bờ nhổ xác suất tại 4 vị trí khác nhau đều cho kết quả từ 17 đến 23 củ/khóm, cân thử đạt 1,6 đến 1,7kg lạc tươi/m2.
PGS-TS Phạm Văn Chương, Viện trưởng Viện KHKT Bắc Trung bộ khẳng định: ‘Kết quả cân đong, đo đếm lạc tươi cho thấy một điều chắc chắn là năng suất lạc tại mô hình sẽ đạt từ 57 đến 58 tạ lạc khô/ha. Nếu tính theo giá lạc thương phẩm 18.000kg thì một ha có thể thu về trên 100 triệu/vụ”.
Ông Đậu Ngọc Ân, Chủ nhiệm HTX Diễn Lộc nhận xét: “Xã Diễn Lộc có trên 100 ha đất màu, chủ yếu trồng lạc xuân hàng năm. Mô hình lạc năng suất cao của Viện KHKT NN Bắc Trung bộ triển khai tại xã năm nay được gieo tập trung trong 3 ngày (từ 24 đến 26/02/2008). Do phải thực hiện các quy trình hướng dẫn khác so với cách làm truyền thống của địa phương nên người dân ban đầu có vẻ khó chịu. Nhưng kết thúc vụ lạc thì họ mới thấy quy trình này là rất khoa học và mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp đôi so với các năm trước. Cây lạc ra hoa, phân cành sớm, củ già đều, không có củ lép. Khi quan sát mỗi khóm từ 20 đến 23 củ, nhiều người đã xuýt xoa: Nếu năm nay Viện cho làm được cả 100 ha thì vụ lạc xuân này bà con Diễn Lộc không biết để lạc đâu cho hết!”
Bà Hoàng Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu nói: “Diễn Châu có diện tích lạc đứng thứ 2 tỉnh Nghệ An. Vì vậy, dân Diễn Châu có kinh nghiệm thâm canh lạc từ khá lâu. Thế nhưng, năng suất lạc L14 tại Diễn Châu chỉ dừng lại ở mức bình quân 29 tạ/ha (cá biệt mới đạt năng suất 35 tạ/ha). Vụ lạc xuân năm nay, do rét kéo dài tới 38 ngày nên việc đánh giá năng suất lạc xuân ra sao chưa thể nói chính xác được”.
Qua hội thảo đầu bờ mô hình lạc năng suất cao của Viện KHKT NN Bắc Trung bộ tại Diễn Lộc là rất thành công. Tuy nhiên, quy trình mà Viện đưa ra, nếu triển khai ra diện rộng vẫn gặp khó khăn vì người dân không phải ai cũng có đủ điều kiện để thực hiện. Nhất là việc sử dụng chế phẩm Bio – Plant và Pro – Plant khi thâm canh lạc đại trà. Nếu quy trình này được áp dụng được ra toàn huyện để làm lạc đại trà thì tổng sản lượng lạc của Diễn Châu hàng năm sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.
PGS – TS Phạm Văn Chương cho biết thêm: “Mô hình này Viện triển khai trong tình trạng “vừa hành quân, vừa xếp hàng” nhưng vẫn thu được kết quả như trên là rất phấn khởi. Với tư cách là một cơ quan khoa học đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để chuyển giao quy trình SX lạc năng suất cao đến bà con nông dân để họ làm lạc đại trà. Nếu 22.000 ha lạc vụ xuân hàng năm của Nghệ An được thực hiện theo mô hình này thì rất lý tưởng. Chỉ riêng sản phẩm lạc xuân đã cho tỉnh Nghệ An nguồn thu khoảng trên dưới 2.000 tỷ đồng”.