Hợp tác xây dựng khu bảo tồn (KBT) xuyên biên giới Virachay-Dong Am Pham-Chư Mon Ray (Việt Nam – Lào -Campuchia) là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai Tuyên bố Hợp tác (Platform of Cooperation) được ký kết giữa 3 Bộ trưởng Môi trường Campuchia, Lào và Việt Nam vào năm 2001. Việc xây dựng Biên bản Ghi nhớ (MOU) cho hoạt động này đã được bắt đầu từ năm 2006, do chuyên gia của cả 3 nước tiến hành. Hội thảo "Bảo vệ đa dạng sinh học dãy Trường Sơn" tại Thừa Thiên – Huế mới đây đã đi đến kết luận: Ba nước tiếp tục khẩn trương hoàn thiện để ký biên bản hợp tác vào kỳ họp Bộ trưởng lần thứ 3 tại Lào vào cuối năm nay.
Trao đổi về vấn đề này, Giáo sư -Tiến sỹ Mai Đình Yên (ảnh) cho biết:
Đây là một vùng sinh thái điển hình của dãy Trường Sơn. Về mặt khoa học, việc bảo tồn trọn vẹn nơi sống của con người, nơi ở của động vật và nơi phân bố đa dạng sinh học khu vực này là rất cần thiết. Trên thực tế cả ba nước đều đã có KBT Quốc gia tại đây. KBT Chư Mon Ray của nước ta thuộc tỉnh Kon Tum, có diện tích 35.500 ha. KBT Dong Am Pham của Lào rộng 200.000ha và KBT Virachay của Campuchia rộng 3.337.232ha. Nhưng nếu mỗi quốc gia tiến hành bảo tồn một cách đơn lẻ thì hiệu quả sẽ hạn chế vì đây là một vùng sinh thái hoàn chỉnh, không thể chia cắt về hành chính.
Vậy theo GS nên xây dựng một mô hình hợp tác như thế nào để mọi việc diễn ra thuận lợi ?
Đương nhiên sự hợp tác bảo vệ môi trường xuyên biên giới là khó khăn, nhưng cần thiết phải làm vì lợi ích chung của từng nước và của cả 3 nước. Trên thế giới cũng đã có nhiều KBT xuyên biên giới. Đối với nước ta, từ năm 1993, Tiến sỹ J.Mckinnon là người đầu tiên đề xuất xây dựng các KBT xuyên biên giới cho 4 nước Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan.
Năm 1998 dự án LINC do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã WWF Chương trình Đông Dương cũng tính tới liên kết Hin Nam No (Lào) và Phong Nha-Kẻ Bàng của nước ta. Chính phủ hai nước cũng đã giao cho chính quyền hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn (Lào) tiếp tục triển khai theo xu thế này, hiện hai địa phương đã tiến hành hợp tác trong phòng chống cháy rừng và buôn bán động vật hoang dã. Từ năm 2005 Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN đã quan tâm tới vấn đề này.
Có thể thấy hợp tác bảo tồn xuyên biên giới đang là xu thế tất yếu. Để sự hợp tác này tiến hành thuận lợi, theo tôi việc triển khai nên tiến hành từng bước, từ việc điều tra, nghiên cứu, trao đổi thông tin, đến việc phối hợp bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên…
Theo cách nói của GS. thì ngoài vùng sinh thái ngã ba Đông Dương trên đây, giữa nước ta, CHND Lào và Vương quốc Cam Pu Chia còn nhiều KBT dọc theo biên giới cần quan tâm triển khai ?
Các KBT xuyên biên giới của 3 nước đều gắn liền với vùng sinh thái dãy Trường Sơn. Việt Nam và Lào có cặp bảo tồn Pù Mát – Nam Chuan, Vũ Quang -Nakai Nam Theu, Phong Nha – Kẻ Bàng, Bạch Mã – Sáp. Việt Nam và Campuchia có cặp bảo tồn Yok Don – Phnom Nam Lyr, Bù Gia Mập – Sunoul. Tuy nhiên ngay một lúc không thể triển khai sự hợp tác bảo tồn tại tất cả các khu, nhưng cũng nên sớm tính đến khả năng này theo thứ tự ưu tiên.
Các chuyên gia về lĩnh vực môi trường đều cho rằng các cơ quan quản lý môi trường ba nước nên nghiên cứu xây dựng KBT song phương, trước mắt là cặp Hin Nam No-Phong Nha Kẻ Bàng và cặp Phnom Nam Lyr – Yok Đon.
Trân trọng cảm ơn GS!