ThienNhien.Net – Sách đỏ 2008 về các loài có nguy cơ tuyệt chủng của IUCN được xuất bản ngày 19/05/2008 đã công nhận: “Biến đổi khí hậu là yếu tố chính gây ra nhiều vấn đề làm thay đổi thế giới và đặt một phần tám số loài chim vào nguy cơ tuyệt chủng”.
Hạn hán kéo dài và những biến động bất thường của thời tiết đang đe dọa các ổ sinh thái của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Cùng với nó là ngày càng có nhiều hệ sinh thái bị phá hủy, dẫn đến việc tăng tỷ lệ tuyệt chủng trên các lục địa và các hòn đảo.
Sách đỏ 2008 của IUCN đã tập hợp 1226 loài chim hiện đang bị đe dọa và 8 loài mới nhất được đưa vào danh sách bị đe dọa nghiêm trọng, mức đe dọa cao nhất. Trong đó, 26 loài có sự thay đổi về xếp hạng do sự thay đổi về số lượng cá thể và 24 loài bị chuyển lên mức đe dọa cao hơn do tỷ lệ giảm hay phạm vi hoạt động bị thu hẹp. Chúng bao gồm các loài lục địa phổ biến như Chim dế Á Âu (Numenius arquata), và Chim chích Dartford (Sylvia undata), cả hai loài này trước đây đều thuộc nhóm ít phải quan tâm nhưng giờ đây đã phải xếp vào mức gần bị đe dọa trên toàn cầu.
Jane Smart, Chủ nhiệm chương trình về Loài của IUCN nói: “Sách đỏ mới nhất của IUCN cho thấy các loài chim đang phải gánh chịu những áp lực của biến đổi khí hậu. Sách đỏ của IUCN được xem là tiêu chuẩn trên toàn thế giới về sự biến mất của các loài nên chúng tôi sẽ thúc đẩy các chính phủ sử dụng các thông tin trong đó một cách nghiêm túc để có thể làm được những điều tốt nhất nhằm bảo vệ các loài chim trên thế giới”.
Ở Australia, loài Mallee Emuwren (Stipiturus mallee) hiện đang bị suy giảm số lượng rất nhanh chóng, và môi trường sống của nó giờ đây đã quá suy yếu đến mức mà chỉ cần một trận cháy rừng nhỏ nữa thôi là sẽ bị tuyệt chủng. Những năm hạn hán, đặc biệt trong phạm vi phân bố của loài này ở miến Nam và miền Tây, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các loài thực vật ở đây và loài Emuwren cũng đã gần như bị tuyệt chủng khi số lượng cá thể của chúng chỉ còn lạI 100 con trên 100km2.
Ở quần đảo Galapagos, loài Floreana Mockingbird (Nesomimus trifasciatus) cũng bị co lại chỉ còn trên hai hòn đảo nhỏ của Floreana. Số lượng cá thể của chúng đã bị giảm từ 150 cá thể vào năm 1966 xuống còn khoảng 60 cá thể và hiện nay đang bị nguy hiểm do những biến động thời tiết bất thường. Do đó, hiện nay nó đã được xếp vào nhóm loài có nguy cơ cao.
Ở Papua New Guinea, tình trạng phá rừng do ngườI dân cần đất để trồng cây cọ dầu đã làm cho các loài như New Britain Goshawk (Accipiter princes) bị xếp vào nhóm có nguy cơ cao hơn.
Tuy nhiên, cũng có một số tín hiệu đáng mừng. Có hai loài được cảI thiện tình trạng nguy cơ là Marquesan Imperial-pigeon (Ducula galeata) và Little Spotted Kiwi (Apteryx owenii), cả hai loài này đều được phục hồi nhờ các hoạt động bảo tồn tích cực.
Tiến sỹ Stuart Butchart, BirdLife’s Global Research and Indicators Coordinator nói: “Điều đó cho thấy rằng không phải chỉ có các hoạt động bảo tồn là mang lại hiệu quả nhưng đó là việc cần thiết để chúng ta ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài. Các loài rất dễ bị tác động do sự mất đi môi trường sống và tình trạng biến đổi khí hậu. Số lượng cá thể của loài sẽ bị suy giảm do tác động của biến đổi khí hậu, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cục bộ”.
Biến đổi khí hậu sẽ còn được đề cập nhiều hơn trong các Sách đỏ của IUCN trong tương lai. Loài chim mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus) đã bị chuyển từ mức đe dọa lên đe dọa nghiêm trọng do sự suy giảm số lượng một phần bởi sự mất đi môi trường sống và giảm mực thủy triều đã ảnh hưởng đến hoạt động di cư và trú đông của loài. Biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng tiêu cực đến loài này và các loài khác vốn phụ thuộc vào các vùng đất đóng băng để sinh sản. Điều đó đã cho thấy rằng khoảng 57% vùng đất sinh sản của loài chim mỏ thìa sẽ bị mất đi vào năm 2070 do biến đổI khí hậu.
Để chống lại sự gia tăng nguy cơ tuyệt chủng đối với quá nhiều loài, BirdLife đã đề xuất chương trình “Chống tuyệt chủng” – một chương trình bảo tồn các loài chim có phạm vi rộng và lớn nhất từ trước đến nay. Chương trình này nhằm vào cả 190 loài chim đang ở trong nhóm bị đe dọa nghiêm trọng của Sách đỏ 2008 nhằm chống lại sự suy giảm của loài.