Tốc độ khai thác than tăng nhanh khiến môi trường ở Quảng Ninh đang bị tàn phá nặng nề, người dân nơi đây đang từng ngày phải gánh chịu hậu quả.
Những hố “bom” và hồ cá chết
Huỷ hoại môi trường không thương tiếc phải kể tới Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ (CPĐTTM & DV), đơn vị đã được Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) ưu ái giao cho việc khai thác than tận thu từ Đông Triều đến Mông Dương.
Do năng lực không đủ mạnh nên Công ty này đã phải ký hợp đồng với 52 tổ chức, cá nhân bằng 61 hợp đồng kinh tế, trong đó có 37 hợp đồng ngoài ngành than, 24 hợp đồng trong Tập đoàn TKV ồ ạt đưa phương tiện đến các khai trường bốc xếp, vận chuyển đất đá và than. Đây là cơ hội và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác, tiêu thụ than trái phép.
Một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, đó là huyện Đông Triều, vùng trọng điểm lúa của tỉnh. Hiện nay, TKV đã đình chỉ việc khai thác tận thu than tại các điểm mỏ đối với Công ty CPĐTTM & DV, nhưng hậu quả để lại là đã làm suy thoái nhanh tài nguyên rừng, tài nguyên nước, gây cạn kiệt dòng sinh thuỷ, gây ngập úng và hạn hán cục bộ, làm bồi lắng lòng hồ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh các khu vực lân cận.
Điển hình, nhiều điểm khai thác nằm trong danh giới khu vực khai thác của Công ty than Mạo Khê, Công ty CPĐTTM & DV đã tiến hành khai thác, đào bới không hồ sơ thuê đất, không các phương án hoàn nguyên bảo vệ môi trường và thường xuyên tiếp tay cho tư nhân vào khai thác, làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên không tái tạo của quốc gia.
Trong tổng số 25 hồ chứa nước ở huyện Đông Triều đã có gần một nửa bị bồi lấp, nguồn nước bị chua hoá từ quá trình sản xuất than gây ra, trong đó có nhiều hồ bị chua hoá nặng như Cầu Cuốn, Nội Hoàng, Khe Ươn 1, Khe Ươn 2…, độ PH đều ở mức dưới 3,5 (PH tiêu chuẩn từ 5 – 5,5).
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang âm thầm huy hoại năng suất cây trồng, vật nuôi và nguy cơ bị cắt đứt toàn bộ nguồn sinh thuỷ trong tương lai gần. Những con cá vớt lên sau một thời gian nuôi thả chỉ còn da bọc xương, nhiều con mắt lồi ra hoặc chết nổi trên mặt nước, không sử dụng được.
Hàng chục con bò nuôi lớn rồi tự nhiên đồng loạt bị xuất huyết chết không rõ lý do. Năng suất lúa trước kia ở đây đạt khoảng 45tạ/ha, còn vụ mùa vừa qua giảm xuống chỉ còn khoảng 30tạ/ha, thậm chí có gia đình mất trắng…
Chính quyền địa phương và các ngành liên quan đã nỗ lực triển khai hàng loạt dự án cải tạo lòng hồ, xây kè chắn đất đá, song, cũng không thể “chạy đua” được với tốc độ khai thác than lớn như hiện nay.
Cùng chung cảnh môi trường sinh thái bị tàn phá nặng nề với Đông Triều, đó là Uông Bí, Cẩm Phả, Hạ Long. Vẫn còn đó những hố “bom” lớn chưa được san lấp; đất đá, sít thải đổ bừa bãi, ngay sát các cửa lò thông gió của một số doanh nghiệp khai thác than thuộc TKV; những vỉa, mỏ đào bới không quy hoạch, bất chấp mọi quy trình kỹ thuật…
Nhiều khai trường khai thác than trái phép ở các địa phương xuống sâu tới hàng chục mét, nhưng vẫn chưa được hoàn nguyên, đang là ẩn hoạ nguy hiểm đe doạ đến sinh mạng của người dân trong mùa mưa bão 2008.
Quyết liệt vào cuộc
Ngày 19/05, Ban thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép trên địa bàn. Theo đó, Công an tỉnh phối hợp với các địa phương kiên quyết lập lại trật tự trên địa bàn.
Trong tháng 05/2008 sẽ kiểm điểm các cán bộ quản lý lỏng lẻo để xảy ra vi phạm; xác định, công bố ranh giới mỏ phân rõ trách nhiệm của TKV và của tỉnh Quảng Ninh.
TKV sẽ dừng việc đưa các cá nhân, doanh nghiệp bên ngoài vào ngành than khai thác, vận chuyển than; đồng thời thực hiện việc hoàn nguyên môi sinh, môi trường. TKV sẽ thực hiện nghiêm việc không vận chuyển than trên tuyến quốc lộ 18A và tỉnh lộ 337; tiếp tục rà soát xử lý các điểm và các bến cảng thủy nội địa bốc rót than trái phép.
6 vụ án với 14 đối tượng liên quan đến 104 tàu vận chuyển trái phép than đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh khởi tố về tội danh buôn lậu, tàng trữ vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả.
Hiện, trong số bị can này, có một số đối tượng bỏ chốn khỏi nơi cư trú, đang được gia đình vận động ra đầu thú, trong đó có em ruột của đại tá Vũ Trọng Tiệp, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Ninh là Vũ Thị Túc, ở huyện Yên Hưng.
Điều đáng nói, qua vụ bắt giữ 104 tàu này, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp “ma”. Những doanh nghiệp này được những đối tượng buôn bán than lậu thành lập với mục đích cung cấp hóa đơn nhằm hợp pháp hóa nguồn than xuất lậu qua biên giới.
Ở Hải Phòng, theo điều tra của cơ quan chức năng, tại thôn Phú La, xã An Hòa, huyện An Dương có nhiều người trong làng được thuê làm giám đốc. Đặc biệt, có vị giám đốc khi đến xác minh thì ở trong trại cai nghiện đã 6 tháng, có giám đốc còn đang đi tù.
Cẩm Phả là địa bàn “nóng” nhất của tỉnh về bến bãi kinh doanh than và các vấn đề liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển than. Chỉ tính 1 tháng trở lại đây, qua kiểm tra hơn 80 bến bãi, điểm cảng của 51 doanh nghiệp tại thị xã Cẩm Phả, lực lượng chức năng đã phát hiện 3,2 triệu tấn than các loại đang tồn kho; gần 3,8 triệu m3 bã sít.
Thị xã Cẩm Phả quyết định tịch thu hơn 3.560 tấn than cám; thu giữ 10 phương tiện chở 8.581 tấn than; phát hiện 1 bãi tập kết than nguyên khai khoảng 10.775 tấn chưa có tổ chức, cá nhân nào nhận; tiếp tục xác minh làm rõ nguồn gốc than của 3 phương tiện khác chở gần 2.000 tấn than trái phép…
Tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn còn tiềm ẩn tình trạng tái diễn nạn khai thác than trái phép. Hiện, tại một số nơi ở huyện Đông Triều, các đối tượng vẫn lén lút, núp dưới “vỏ bọc” thoả thuận mua bán nhà, đất ở, đất vườn của các hộ dân nằm trên các vỉa than, nhưng thực chất là chuẩn bị cho việc khai thác than trái phép khi tình hình ngăn chặn nạn vận chuyển, khai thác than của tỉnh lắng xuống…
Và như vậy, Quảng Ninh vẫn còn đó nguy cơ bốn mất: thất thoát nguồn tài nguyên, khoáng sản của đất nước; môi trường sống bị tàn phá nghiêm trọng; mất an ninh trật tự xã hội do hiện tượng tranh giành địa bàn khai thác dẫn đến xuất hiện nhiều băng nhóm xã hội đen; mất cán bộ và mất lòng tin với nhân dân.