Đàn voi nhà ở Đắk Lắk đang bị vắt kiệt sức: hết kéo gỗ dựng nhà, tải hàng thuê lại quay sang chở khách du lịch… Mới đây, liên tiếp trong hai ngày 13 và 14/05, lại có thêm hai con voi nhà của bà HBe và ông YTép ở huyện Buôn Đôn mãi mãi nằm xuống. Ba năm qua, đã có gần mười con voi ra đi vì lao động nặng nhọc.
Già YSiu Jdoai ở Buôn Đôn cũng như già YTeOng ở Buôn Mliêng, huyện Lăk đều bảo: “Nếu voi có mệnh hệ gì thì không chỉ gia đình chủ voi buồn bã mà cả cộng đồng đều thương tiếc. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa… Còn bây giờ tình cảm ấy đã phai nhạt rất nhiều. Người ta nuôi voi và xem voi như một phương tiện kiếm tiền thuần túy”.
Già YTeOng nói: “Nhất là từ khi có điểm du lịch hồ Lăk mở ra, đồng tiền kiếm được kha khá từ việc dùng voi nhà chở khách du lịch tham quan đã dần dần làm mờ mắt nhiều người. Trong đó có con cháu của già”.
Già còn kể: “Buồn lắm, anh em nó giành giật và chửi mắng nhau, thậm chí đánh nhau cũng chỉ vì con voi của ông bà để lại. Đứa nào cũng tranh nhau được giữ voi để đưa đi chở khách du lịch…”. Thế là con voi Khuổi Vạc tội nghiệp của gia đình ông cứ ngày một xuống sức vì bị chính các cháu của ông “bóc lột” quá mức.
Tương tự, tình trạng này ở Buôn Đôn cũng chẳng khá hơn. Hôm 14/05, về dự lễ khóc voi ở nhà bà HBe (buôn Tul A, xã Ea Wen) mới nghe hết sự tệ bạc của con người đối với voi.
Già YThên bảo voi ít khi chết vì bệnh khi còn trẻ vì nếu bị bệnh thì nó tự chữa được mà… Lá rừng và rễ cây vừa là thức ăn, vừa là phương thuốc chữa bệnh đấy. Ông đoán chắc voi chết vì bị bắt làm việc quá mức.
YThin (con trai bà HBe, là quản tượng trực tiếp chăn dắt voi Khăm Panh đã chết) cho biết: từ khi điểm du lịch Buôn Đôn mở ra, đàn voi nhà ở đây – khoảng 15 con – đều tham gia chở khách kiếm tiền. Voi trở thành phương tiện kiếm sống của nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở địa phương.
YThin kể: từ đầu tháng tư đến ngày Khăm Panh nằm xuống (13/05) là khoảng thời gian du lịch Buôn Đôn bắt đầu sôi động. Bình quân mỗi ngày điểm du lịch này cần hơn chục con voi chở du khách tham quan. Chúng làm việc suốt, thậm chí cả nửa tháng trời mà không được nghỉ ngơi. Cứ mỗi giờ chở khách được 100.000 đồng. Anh YThíu, một người dân địa phương, cho biết thêm: ban ngày voi phải chở khách còn ban đêm phải đi kéo gỗ thuê cho các xưởng cưa trong vùng. Con trai bà HBe bảo: “Cái đêm cuối cùng con Khăm Panh đánh gỗ trong rừng Ea Tul ra, xem chừng nó mệt mỏi lắm. Lần này kéo chưa đầy bốn tấc gỗ mà nó cứ thở dốc từng hồi. Đến hôm sau nó chết…”.
Ở Buôn Đôn, Ma Thơm buồn bã tâm sự: hai năm trước (2006), con voi Di Vạc của gia đình ông chết vì lao lực. Từ đó ông thẫn thờ, uống rượu suốt ngày. Khi say, Ma Thơm cứ nhắc đi nhắc lại luật tục của người nuôi voi ngày trước: “Những ai cố tình hành hạ voi, không cho voi ăn ngủ từ lúc mặt trời lặn ở núi phía tây và mọc lên ở núi phía đông thì bị phạt nặng”.
Chẳng ai phạt Ma Thơm nhưng Ma Thơm tự dằn vặt mình…
Theo điều tra mới nhất của Chi cục Kiểm lâm Đắc Lắc, hiện đàn voi nhà ở tỉnh này còn khoảng 65 con, tập trung chủ yếu ở các huyện Buôn Đôn, Lăk, Ea Súp. Con số này cho thấy đàn voi nhà ở đây đang suy giảm nhanh chóng.