Là địa phương có nhóm động vật hoang dã (ĐVHD) đa dạng, quý hiếm với nhiều cấp độ khác nhau. Song xu hướng thưởng thức trong lĩnh vực ẩm thực cũng như sự buông lỏng công tác quản lý, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc chống săn bắn, tiêu thụ thú rừng ở Lào Cai đang là nguy cơ huỷ hoại nguồn ĐVHD trên địa bàn.
Những năm trước đây, tại nhiều địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số quen tập quán săn bắn thú rừng làm thực phẩm. Thường vào tháng Ba hàng năm, thanh niên tại các bản, làng tổ chức thành các nhóm đi săn khiến số lượng và chủng loại thú rừng ngày càng ít.
Trước thực trạng đó, tỉnh Lào Cai đã tập trung vận động, hỗ trợ giúp người dân thay đổi tập quán sản xuất, gắn với tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng và ĐVHD của cộng đồng. Các khu bảo tồn thiên nhiên như Vườn quốc gia Hoàng Liên, Khu bảo tồn Hoàng Liên – Văn Bàn, rừng già Ý Tý được thiết lập và bảo vệ nghiêm ngặt.
Từ chính sách đúng và được sự hưởng ứng của người dân, đến nay, Lào Cai đã thu gom được hơn 20.000 khẩu súng săn các loại trong dân, làm giảm hẳn việc đi săn thú rừng, tạo điều kiện cho nhiều loại thú quý hiếm trở lại với các khu rừng như loài vượn đen tuyền, chim trèo cây lưng đen, lợn rừng, lợn cỏ…
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ huỷ hoại ĐVHD. Một trong những nguy cơ đó là xu hướng thưởng thức thịt ĐVHD đang trở thành nhu cầu “thời thượng” khi đời sống được cải thiện. Hiện tượng bày bán công khai thịt thú rừng tại các chợ ở thành phố Lào Cai như thịt cầy, thịt lợn rừng, nhím, dúi, tê tê…diễn ra khá phổ biến.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết, việc phát hiện và bắt giữ những vụ buôn bán ĐVHD rất khó khăn. Phần lớn cá thể sống hoặc thịt ĐVHD do săn bắn trái phép mà có được tiêu thụ tại các đô thị. ĐVHD thường có giá trị cao, mang lại lợi nhuận lớn nên đối tượng tham gia buôn bán, vận chuyển có thủ đoạn cất giấu tinh vi khiến cơ quan chức năng khó phát hiện.
Bên cạnh đó, việc xác định sản phẩm ĐVHD qua chế biến để làm căn cứ xử lý trên thực tế cũng rất khó khăn. Ngoài lực lượng kiểm lâm, việc đó còn liên quan đến cơ quan thú y nên dù phát hiện dấu hiệu vi phạm, song, để làm rõ và xử lý quả không đơn giản.
Do vậy, để bảo tồn và phát triển nguồn ĐVHD, nhất là các nhóm, loài thú quý hiếm tại các cánh rừng trên địa bàn, tỉnh Lào Cai cần thiết có sự “vào cuộc” đồng bộ của các cấp, ngành cũng như tăng cường giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đang là nhiệm vụ cấp thiết mà địa phương phải chú trọng quan tâm, thực hiện.