Rừng đầu nguồn sông Long Đại là một trong những vùng rừng nguyên sinh hiếm hoi còn lại ở phía Nam tỉnh Quảng Bình. Cứ ngỡ, dãy núi đá vôi hiểm trở ở Rào Trù sẽ là bức tường vững chắc che chở cho những cánh rừng nơi đây. Thế nhưng, rừng Long Đại vẫn đang ngày đêm bị “xẻ thịt”.
Công trường “xẻ thịt” rừng
Bà con người Vân Kiều ở bản khe Ngang, xã Trường Xuân (Quảng Ninh – Quảng Bình) cho biết, lâm tặc khai thác gỗ ở vùng rừng Cổ Trãi đã hai năm nay. Ban đầu, chúng thuê người, mướn trâu của bà con để kéo gỗ. Sau này, việc khai thác quy mô hơn, chúng vận chuyển gỗ bằng các phương tiện cơ giới. Bà con đã nhiều lần báo lực lượng chức năng để ngăn chặn tình trạng này, nhưng chặn đâu không thấy, chỉ thấy lâm tặc ngày càng trắng trợn, ngang nhiên hơn… Giữa năm 2007, những đầu nậu khai thác gỗ đã “tuyển” thêm mấy chục tay “anh chị” lên bãi khai thác. Chúng đe doạ hành hung những ai cung cấp thông tin về việc phá rừng và sẵn sàng ra tay nếu lực lượng bảo vệ rừng ngăn chặn…
Con đường vắt qua lèn Trạng Rượng dài chừng nửa cây số, dựng ngược, trơn tuồn tuột. Đi khoảng gần 2 giờ đồng hồ là đến Vịnh Lau và vùng rừng Cổ Trãi. Từ đây lộ rõ con đường rộng chừng 1,5m xuyên qua lèn đá do lâm tặc “xây dựng” để vận chuyển gỗ.
Đến rừng Cổ Trãi mới thấy tài nguyên rừng đầu nguồn sông Long Đại rất phong phú. Những cây gỗ cao, thẳng tắp, có khu vực thuần gỗ sú (nhóm 3). Sú mọc ken dày, càng gần đỉnh dốc, mật độ càng dày, có cây cao vài chục mét, đường kính gốc 70-90cm. Nhưng đau xót thay, hàng trăm cây gỗ đã bị đốn hạ… Rừng tan hoang như hứng chịu một trận bom. Những cây gỗ bị đốn hạ chồng lên nhau, gốc cây ứa nhựa đỏ, ván gỗ tươi rói vứt tứ tung, bột cưa phủ dày như lá rừng…
Tại các khu vực chưa bị khai phá, bắt gặp những cây gỗ đã được lâm tặc “vè” gốc (đánh dấu) và một khoảng rừng lớn cũng bị phát quang để chuẩn bị cho cuộc “tận diệt”… Cảnh tượng giống hệt “đại công trường” chế biến gỗ giữa rừng…
Bất lực hay buông lỏng?
Trước đây, lâm tặc chủ yếu khai thác gỗ ở vùng Vịnh Đụt. Khi phát hiện rừng Cổ Trãi có nhiều gỗ quý, chúng lập tức “chuyển hướng”. “Lợi thế” của khu vực này là gỗ được vận chuyển ra bằng đường quanh vách núi theo kiểu trượt dốc, đỡ sức kéo. Sau đó, lâm tặc dùng xe quẹt (một loại xe hai bánh tự chế) “tăng bo” gỗ ra bãi, tập kết lên xe theo con đường độc đạo gần 10km về xuôi…
Cầm đầu nhóm lâm tặc khai thác gỗ ở vùng rừng Cổ Trãi là Nguyễn Hữu Hiếu (sinh năm 1975, trú tại xã Xuân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình). Năm 2005, Hiếu bắt đầu cùng đồng bọn tổ chức khai thác gỗ trái phép tại vùng núi này. Thời gian đầu, Hiếu chỉ khai thác với quy mô nhỏ, dùng cưa tay và thuê dân bản kéo gỗ ra khỏi rừng. Sau này, hắn đầu tư máy móc, sử dụng chất nổ mở đường xuyên núi với ý định làm ăn lâu dài.
Cuối tháng 02/2008, sau gần 3 năm lâm tặc hoành hành, lực lượng bảo vệ của Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại mới tiếp cận được hiện trường. Vừa tới khu vực khai thác, lực lượng bảo vệ lập tức bị lâm tặc tấn công. Chúng ngang ngược đưa ra yêu sách: bảo vệ phải rút lui, nếu không sẽ dùng mìn trấn áp, tiêu diệt. Tình huống bất khả kháng xảy ra buộc tổ tuần tra phải rút lui để tránh thương vong.
Anh Nguyễn Văn Tình, cán bộ bảo vệ rừng là người “rút” sau cùng bị lâm tặc chặn lại hành hung. Anh Tình bị trọng thương, được người dân địa phương đưa đi cấp cứu. Ban chỉ huy quân sự huyện Quảng Ninh đã điều động hai trung đội cơ động phối hợp với lực lượng công an, kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Đại, xã Trường Xuân bao vây khu rừng mới bắt được Nguyễn Hữu Hiếu.
Ông Trần Văn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân cho hay: “Vùng rừng này giàu trữ lượng và còn nhiều gỗ quý. Nếu được giao về cho địa phương quản lý, bảo vệ, chắc chắn sẽ không xảy ra tình trạng bị tàn phá như vậy…”.
Rời vùng rừng Cổ Trãi, người dân tiếp tục cho biết, ở đầu nguồn sông Long Đại, nhiều vùng rừng vẫn bị khai thác bừa bãi. Thậm chí, có vùng rừng gỗ lim bị chặt phá để trồng… keo lai! Hàng ngày, gỗ lậu vẫn được vận chuyển qua địa bàn, bằng cả đường bộ lẫn đường sông. Dư luận “râm ran” trước thực trạng này nhưng chính quyền có vẻ… không biết?
Thực tế, các tuyến đường bộ và tuyến sông Long Đại có khá nhiều trạm kiểm soát lâm sản. Nhưng rừng ở đây vẫn bị “chảy máu”. Bao giờ tình trạng này mới chấm dứt. Câu hỏi này xin dành cho các ngành chức năng huyện Quảng Ninh và tỉnh Quảng Bình.