Tại sao đà điểu chui đầu dưới cát, bướu lạc đà không chứa nước hay con lười có thật sự lười biếng không… cùng nhiều bí ẩn trong thế giới động vật vừa được các chuyên gia ở Viện Max Planck (Đức) làm sáng tỏ.
Lười nhưng không lười
Trái với suy nghĩ của đa số chúng ta, loài lười (paresseux/sloth, tên khoa học là Bradypus variegatus) – động vật có vú ở Nam Mỹ sống trên cây, di chuyển chậm chạp – không lười nhác như cái tên của nó. Trong khi đồng loại ngụ trong sở thú mỗi ngày ngủ đến 16 tiếng thì họ nhà lười sống trong môi trường hoang dã chợp mắt chưa tới 10 giờ. Thời gian còn lại chúng luôn ở trạng thái vận động, dù rất chậm.
Sở dĩ trong môi trường nuôi nhốt, con lười ngủ nhiều là do chúng không phải lo sợ bị động vật ăn thịt tấn công cũng như không còn bận tâm chuyện tìm kiếm thức ăn. So sánh thời gian ngủ giữa một số loài thì lười ngủ nhiều hơn so với hươu cao cổ, mỗi đêm chỉ phì phò vài tiếng, nhưng lại không đáng kể nếu so với trăn – ngủ đến 18 giờ trong chu kỳ 24 giờ.
Cá vàng chỉ nhớ được 3 giây
Quan niệm này xuất phát từ hình ảnh cá vàng bơi vòng vòng trong chậu kính và người ta cho rằng do quên bẵng mình đã làm gì nên chúng cứ bơi loanh quanh mãi. Tuy nhiên, các cuộc thí nghiệm ở Đại học Plymouth (Anh) cho thấy cá vàng có thể được huấn luyện để nhảy lên khỏi mặt nước đớp thức ăn vào thời gian cố định trong ngày. Đầu năm nay, thần đồng khoa học Rory Stokes 15 tuổi ở Australia chứng minh có thể huấn luyện cá ba đuôi bơi đến nguồn sáng trong mê cung để tìm thức ăn. Một tuần sau khi đèn được lấy khỏi mê cung và đặt lại, cá vàng lập tức bơi đến đó.
Đà điểu chôn đầu dưới cát
Từ xa xưa, dân gian truyền miệng rằng đà điểu khi gặp hiểm nguy luôn chui đầu vào cát. Và cách nghĩ này trở thành hình ảnh ẩn dụ ám chỉ những người không muốn chấp nhận sự thật, giống như trẻ em thường bịt tai lại và thét: “Con không muốn nghe!”. Thực tế, đà điểu không chết nhát đến vậy vì loài chim không biết bay này hoàn toàn có thể thoát hiểm bằng đôi chân có khả năng chạy 65 km/giờ.
Vậy quan niệm sai lầm trên xuất phát từ đâu? Sự thật là đà điểu có thói quen vùi đầu dưới cát tìm sỏi nuốt vào bụng để giúp bao tử nghiền thức ăn.
Bướu lạc đà chứa đầy nước
Trước nay, mọi người đều cho rằng lạc đà có thể băng qua các sa mạc nóng bỏng vì bướu của chúng chứa đầy nước. Thực tế bướu lạc đà chứa đầy mỡ, và máu mới là nơi trữ hầu hết lượng nước lạc đà uống (mỗi lần có thể uống 150 lít nước).
Trong khi hầu hết các loài có vú có tế bào máu hình tròn, hồng huyết cầu của lạc đà hình bầu dục nên dễ dàng len lỏi qua tĩnh mạch, động mạch ngay cả khi cơ thể mất nước. Cơ thể lạc đà chống chọi với điều kiện khắc nghiệt trên sa mạc bằng cách ít đổ mồ hôi, khép xoang mũi lại để giảm lượng nước mất qua hơi thở, thải ra phân khô và ít nước tiểu, bộ lông ít hấp thụ nhiệt. Bướu mỡ cũng có ích cho lạc đà vì mỡ được chuyển hóa thành năng lượng và sinh ra sản phẩm phụ là nước cung cấp cho cơ thể.
Dơi bị mù
Câu chế nhạo “mù như dơi” bắt nguồn từ chính quan niệm cho rằng loài này bị mù. Thật ra, dơi có đôi mắt ti hí, và có thể hoạt động hiệu quả về đêm hoặc trong hang tối. Trong điều kiện ban ngày, chúng sử dụng thị giác để di chuyển qua những quãng đường dài, và một số con còn có thể phát hiện tia cực tím mà mắt người không thể thấy. Ngoài ra, với đôi tai “quá khổ”, dơi có thính giác rất nhạy. Chúng có thể dùng sóng âm dội lại để định vị chính xác con mồi ở xung quanh.
Không di chuyển liên tục, cá mập sẽ chết
Thực tế, không phải con cá mập nào cũng luôn di chuyển mặc dù chúng cần có nước chảy qua mang để thở. Nhưng nhiều loài vẫn có thể xoay xở được khi nằm dưới đáy biển bằng cách cử động mang để tạo ra hiệu ứng bơm nước. Tuy nhiên, một số loài như cá mập trắng, do không có cơ ở mang nên không thể bơm nước được, vì vậy chúng phải bơi liên tục.