Vệ sinh an toàn thực phẩm: Kinh nghiệm của thế giới (Kỳ cuối)

Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) không chỉ là vấn nạn của Việt Nam, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải đối phó với thực trạng này. Tại Mỹ, theo thống kê, mỗi năm có gần 76 triệu người bị ngộ độc thực phẩm, khoảng 325.000 người phải nhập viện và 5.000 người tử vong có liên quan đến thực phẩm; tại Nhật Bản và Australia cũng không phải là ít; còn cộng đồng châu âu từng choáng váng vì bệnh bò điên, dioxin trong sữa… Tuy nhiên, cách họ quản lý và ngăn chặn vi phạm thì khác chúng ta rất nhiều.

Vệ sinh an toàn thực phẩm: Báo động đỏ (Kỳ 1)

Vệ sinh an toàn thực phẩm: trên mọi “mặt trận” (Kỳ 2)

Thực hiện nghiêm túc “từ đồng ruộng tới bàn ăn”

Giống như Việt Nam, các nước luôn đặt vấn đề tuyên truyền, giáo dục về VSATTP lên hàng đầu, tuy nhiên, họ thực hiện thường xuyên, liên tục. ở nhiều nước Châu âu, để đảm bảo VSATTP, biện pháp giáo dục được áp dụng ngay từ khi còn học trong trường phổ thông, khi lên đại học và ra ngoài cuộc sống.

Còn ở ta? Năm nào ngành chức năng cũng có Tháng hành động về VSATTP với những chủ đề “rất kêu”, ví dụ như “Người sản xuất kinh doanh thực phẩm có lương tâm” hay “Hãy là người tiêu dùng thông thái”…, nhưng những vụ vi phạm vẫn diễn ra thường xuyên. Ngay tại chợ Bến Thành (TP. Hồ Chí Minh), cơ quan chức năng cho phép mở chợ ẩm thực ngoài đường trong khi không có nguồn nước dẫn tới để rửa chén, không có nhà vệ sinh… Vì thế, bên cạnh việc giáo dục người tiêu dùng, nhà sản xuất, cần phải nâng cao nhận thức của cả lực lượng chức năng.

Tại Singapore, khi mở quán ăn hay một xe bán thực phẩm lưu động, bạn phải học qua lớp tìm hiểu các quy định về VSATTP. Lớp này được tổ chức thường xuyên tại nhiều nơi, đến tận cấp phường. Khi đã biết mà vẫn vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hàng quán của bạn cũng sẽ được kiểm tra và cấp giấy chứng nhận. Cách làm này, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng.

Theo ông Somchai, Phó văn phòng quốc gia về Tiêu chuẩn nông sản và thực phẩm, trước năm 2001, nông sản Thái Lan gặp phải những vấn đề như xu hướng bệnh do ngộ độc thực phẩm gia tăng; tranh chấp về an toàn thực phẩm và yêu cầu chất lượng trong thương mại thực phẩm; các luật và quy định kiểm soát thực phẩm không đồng bộ…

Để đối phó với vấn đề này, Thái Lan đã đề ra chiến lược “Từ đồng ruộng tới bàn ăn”, thực hiện theo dõi các quy trình: nhập khẩu (kiểm tra đầu vào vật liệu thô, thực phẩm chế biến); sản xuất ngoài đồng ruộng (đăng ký, chứng nhận tiêu chuẩn, kiểm tra tại ruộng); thiết bị (kiểm tra, tư vấn, chứng nhận vật liệu thô và cây trồng); đầu ra (kiểm tra, chứng nhận hàng hoá); cuối cùng là thị trường (đàm phán nước ngoài, thận trọng trong nước).

Nước láng giềng Trung Quốc cũng có những chính sách nhằm đảm bảo VSATTP rất hay như mỗi cơ quan phụ trách một mắt xích quy chế: Bộ Nông nghiệp quản lý nhà nước về các nông sản chính; Hiệp hội Chứng nhận và cấp chứng quản lý sản xuất lương thực và ngành chế biến; Bộ Y tế quản lý ngành tiêu dùng; Tập đoàn Công nghiệp ô tô Thượng Hải (SAIC) quản lý ngành vận tải thực phẩm và Cơ quan Quản lý dược – thực phẩm Trung Quốc (SFDA) chịu trách nhiệm chung về VSATTP. Nhờ vậy, tiêu chuẩn thực phẩm quốc gia và ngành đã áp dụng cho hơn 3.000 mặt hàng thực phẩm chế biến và gần 4.000 mặt hàng nông sản, đề ra tiêu chuẩn thanh tra, vệ sinh thực phẩm.

Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm nhập khẩu

Nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời bảo vệ ngành sản xuất và chế biến trong nước, Nhật Bản áp dụng Luật VSATTP, Luật Chống gây nhiễm và kiểm soát các loại dịch bệnh, Luật Ngoại thương và Ngoại hối, Luật Thương mại với những quy định chặt chẽ, chỉ cho phép nhập vào Nhật Bản những loại thực phẩm đảm bảo VSATTP. Những loại thực phẩm không được phép nhập vào Nhật Bản bao gồm: thực phẩm chứa các thành phần độc tố hoặc có hại, hoặc bị nghi vấn có chứa độc tố; thực phẩm bị thối rữa hoặc hư hỏng; thực phẩm không đáp ứng được tiêu chuẩn và đặc điểm kỹ thuật trong quá trình chế biến, công thức hoặc nguyên liệu chế biến; thực phẩm sử dụng chất phụ gia quá mức cho phép; thực phẩm không kèm theo các chứng từ chứng minh.

Một số mặt hàng thực phẩm còn phải đáp ứng đầy đủ các quy định kiểm tra nghiêm ngặt khác mới được nhập vào Nhật Bản như: không chứa các côn trùng gây bệnh hoặc có hại tới sức khỏe con người có trong thịt và cá tươi, các sản phẩm thịt chế biến như hamberger, xúc xích…, trái cây, rau quả hoặc ngũ cốc. Nước này còn quy định giấy phép nhập khẩu đối với một số loài cá đánh bắt tại các vùng duyên hải và rong biển ăn được.

Ngoài ra, còn có một số ít các mặt hàng nằm trong diện quản lý nhập khẩu theo quy định của Luật Ngoại thương và Ngoại hối yêu cầu quota nhập khẩu, phải được đồng ý trước của Bộ trưởng phụ trách chuyên ngành. Các mặt hàng này bao gồm: cá đánh bắt ở vùng duyên hải Nhật Bản; con điệp (động vật có vỏ như trai, sò), mực ống; rong biển ăn được.

Cũng giống như Nhật Bản, Mỹ kiểm soát rất chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập khẩu. Để có thể đưa thực phẩm vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin trên nhãn mác về thành phần dinh dưỡng, nhà sản xuất phải ghi thêm hàm lượng axit béo chuyển hoá (TFA) ngay sau dòng về hàm lượng axít béo no (saturated) và chesterol. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về nhập khẩu thực phẩm, với những quy định chặt chẽ. Ngoài quy định của FDA, còn có các quy định riêng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Nghề cá Mỹ (NMFS) đối với một số mặt hàng nông, thủy sản.

FDA cho biết, ở Mỹ chỉ quy định những kháng sinh được phép sử dụng, còn tất cả những kháng sinh khác ngoài danh mục đều bị cấm. Hiện chỉ có 6 loại kháng sinh được Mỹ cho phép sử dụng là chorionic, gonadotropin, formalin solution, tricaine methanesulfonate, oxytetracyline, sulfamerazine và hỗn hợp sulfadimethoxine/ormetoprim. Cuối năm 2007, Tổng thống Mỹ còn ký một đạo luật quy định từ ngày 01/07/2012, tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Mỹ từ bất kỳ quốc gia nào đều phải được chiếu X. quang tại cảng trước khi hàng hoá xuống tàu nhằm đảm bảo VSATTP.