Từ năm 2007, dự án "Bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý" được đưa về bản Tả Phìn, thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai với mục tiêu tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con người Dao. Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động, dự án không những không thể bảo tồn và phát triển, mà còn góp phần tận diệt và huỷ hoại nghiêm trọng môi trường…
Nhiều tháng qua, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch Lào Cai đã cử đoàn công tác đặc biệt lên nắm thông tin tại bản Tả Phìn. Điều đáng báo động là, những dược liệu quý đang bị tận diệt. Nếu như trước đây, bà con chỉ vào rừng tìm thuốc phục vụ nhu cầu cá nhân và buôn bán nhỏ lẻ, thì hiện nay, với lò đun có công suất khoảng 70kg thuốc mỗi ngày, số lượng cây thuốc bị triệt hạ 1 tháng sẽ là khoảng 2 tấn.
Sẽ không có gì đáng nói nếu như công ty kinh doanh cây thuốc làm đúng quy trình ban đầu của dự án, đó là thiết lập vùng nguyên liệu. Ví như các nhà máy giấy, bao giờ vùng nguyên liệu cũng phải được xây dựng trước, với kế hoạch chi tiết về sản lượng và được thu hoạch luân phiên. Đối với cây dược liệu, việc ươm và trồng theo kiểu công nghiệp không phải khi nào cũng thực hiện được, có những vị thuốc chỉ có thể mọc được trong rừng già, dưới những tán cây…
Bà Lý Mẩy Chạn, Cán bộ xã và cũng là thành viên của Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sapa đã khẳng định thêm về tính chính xác của thông tin này. Bà cho rằng: “Phải 2 đến 3 năm nữa, mới có thể thu hái dược liệu từ những vườn ươm…”
Hiện nay, công ty thu mua thuốc từ 13 hộ gia đình, các hộ luân phiên nhau hàng ngày mang thuốc bán cho công ty. Trước đây, chỉ cần đi cách nhà khoảng 1km là có thuốc, thì nay hành trình ấy phải xa hơn 6-7km đường rừng. Và thế là, từ 1 dự án đầy tính thuyết phục ban đầu, nay đang bộc lộ những hạn chế, mà theo đánh giá của các cán bộ Sở VH-TT&DL là rất nghiêm trọng.
Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao người ta vẫn để tồn tại một dự án thiếu tính khả thi như vậy? Đó là bởi 1 nồi thuốc, tính hết chi phí tốn khoảng 500.000 đồng, sau khi cô đặc sẽ đóng được khoảng 100 lọ thuốc, với giá bán buôn 40.000 đồng/lọ, như vậy, mỗi nồi thuốc sẽ lãi gấp… 8 lần. Đã kinh doanh thì phải có lãi, thế nhưng ai sẽ là người trả lại tài nguyên, trả lại hàng chục tấn thuốc quý mỗi năm đang lấy từ rừng?
Người xưa có câu: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Chắc chắn, những chủ nhân thực sự của rừng, những người đang sống bên rừng không được hưởng nhiều từ những nồi thuốc siêu lợi nhuận. Thế nhưng, chắc chắn họ sẽ chính là người rơi vào cảnh “rưng rưng nước mắt” khi trong tương lai, rừng không còn dược liệu…