Thị trường lương thực thế giới đang ngày càng bất ổn, khi giá gạo tăng cao đã kéo theo giá một loạt thực phẩm khác cùng tăng. Một số nhà phân tích cho rằng, giá gạo tăng mạnh thời gian qua do sự nhiễu loạn thị trường, chứ không hẳn do thiếu nguồn cung.
Báo cáo của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 22/05 cho biết, tổng số tiền chi phí cho hoạt động nhập khẩu lương thực trên toàn thế giới năm 2008 sẽ lên tới 1.000 tỷ USD.
Thiết lập mặt bằng giá mới
Trong thời gian gần đây, giá gạo nổi lên là vấn đề nóng do giá tăng và thiếu nguồn cung, song giá các mặt hàng khác như sữa, bột mỳ, đậu tương, đường cũng tăng cao, thị trường nông sản nói chung trở nên bất ổn.
Thế giới đang phải chi khoản tiền lớn cho lương thực, ước tính tăng khoảng 26% so với năm 2007. Các nước có nền kinh tế yếu kém chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ “cơn bão” giá lương thực với chi phí tăng khoảng 40%.
Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của Hội đồng Kinh tế và xã hội LHQ (ECOSOC) về cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới đây, bà Asha Rose Migiro, Phó tổng thư ký thứ nhất LHQ nhận xét: Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đang đẩy khoảng 100 triệu người vào tình trạng nghèo khổ sâu sắc và 830 triệu người khác phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng.
Điều này có nghĩa là thế giới bị mất đi 7 năm trong cuộc chiến toàn cầu chống đói nghèo và nó có thể xóa sạch một loạt những tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
Tại phiên họp đặc biệt của ECOSOC, Uỷ ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) cho biết, tình trạng thiếu lương thực trong những năm gần đây đã gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và xã hội cho Trung Mỹ và Cộng hòa Dominicana ở vùng Caribe, trị giá tới 6,6 tỷ USD, chiếm khoảng 6,4% tổng sản phẩm quốc nội của cả khu vực này.
Những thiệt hại chủ yếu liên quan đến vấn đề chi phí cao cho ngành y tế và giáo dục; sự suy giảm năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế do thiếu lương thực. Tại Trung Mỹ, Goatemala là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em tăng cao, với mức thiệt hại lên tới 3,128 tỷ USD. Với tình trạng này, Trung Mỹ rất khó có thể hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015.
Giá gạo không chịu nhiều tác động của nguồn cung
Theo FAO, dù có một số dấu hiệu cho thấy giá một số mặt hàng lương thực như gạo, bột mỳ bắt đầu giảm, và có thể sẽ tiếp tục giảm trong vài tháng tới. Nhưng mặt bằng giá cả sẽ không thể trở lại mức như những năm trước, do giá nhiên liệu tăng kéo theo chi phí cho sản xuất tăng cao.
Mạng phân tích tin Oxford Analytical (OA) ngày 20/05 cho rằng, giá gạo biến động mạnh trong thời gian vừa qua phản ánh bản chất “nhiễu” của thị trường gạo quốc tế, hơn là thể hiện sự mất cân đối của quan hệ cung-cầu. Sự “nhiễu” này phản ánh mức độ trợ cấp cho tiêu dùng cũng như cho sản xuất và những quy định về hạn chế xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia.
Thực ra, giá gạo không chịu nhiều tác động của nguồn cung và nhu cầu ở châu Á. Lượng gạo tung ra thị trường quốc tế chỉ chiếm cao nhất là 7% tổng sản lượng gạo toàn thế giới. Nguồn cung ở châu Á về cơ bản đáp ứng đủ cho tiêu dùng. Tuy nhiên, nhu cầu tăng ở bên ngoài châu Á, nhất là ở châu Phi, nơi phải nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn/năm, chiếm 25% tổng nhập khẩu của toàn thế giới, đã tác động tới giá gạo trong thời gian qua.
Theo OA, đến tháng 9 năm ngoái, giá gạo bình quân trên thế giới đã tăng gấp đôi so với năm 2002, lên 138 USD/tấn và tăng gấp đôi một lần nữa, lên 276 USD/tấn hồi tháng trước. Song, giá gạo có thể không biến động nhiều trong các hợp đồng giao sau. Biến động mới này của giá gạo có thể xuất phát từ nguồn cung khá dồi dào.
Tổng sản lượng năm 2007 tăng 1,4%, đạt 652 triệu tấn thóc, tương đương với 435 triệu tấn gạo. Trước khi xảy ra trận bão ở Myanmar, FAO ước tính sản lượng lương thực thế giới năm nay có thể tăng 2,3%. Indonesia vừa có một vụ mùa bội thu, Bangladesh cũng vừa thu hoạch vụ xuân thắng lợi.
OA dự báo, nhu cầu lương thực thay đổi ở một số nước có thể làm giảm giá gạo. Trung Quốc và Bangladesh đã phát hiện ra rằng khoai tây chứa nhiều chất bổ hơn gạo, mà lại dễ trồng. Lúa mỳ cũng đã từ Trung Quốc và Ấn Độ tìm tới các nước trước đây không sản xuất lúa mỳ… Nga cũng đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và phấn đấu trở thành nước xuất khẩu gạo.