Hướng tới nền kinh tế xanh

Một trong những nội dung nổi bật tại các hội thảo, hội nghị quốc tế gần đây là tìm kiếm những biện pháp với mục tiêu cụ thể đối phó biến đổi khí hậu; ghi nhận những sáng kiến hình thành nền kinh tế xanh, làm cho Trái Ðất – ngôi nhà chung của nhân loại sạch và xanh.

Báo động đỏ

Ðề cập cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các chuyên gia môi trường liên tục gióng chuông “báo động đỏ”. EU tiên đoán xảy ra xung đột toàn cầu khi các nước tranh giành các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt dẫn đến thiệt hại lớn với cả những nước phát triển nhanh, các nước nghèo sẽ bất ổn hơn, tương lai an ninh của Bắc cực đáng quan ngại nhất.

Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Mỹ chỉ ra năm lĩnh vực mà thế giới phải đối mặt do biến đổi khí hậu: xuất hiện thêm nhiều đợt nắng nóng dẫn đến phải hạn chế trọng tải tại những sân bay; nước biển dâng cao và cường độ bão lớn gây ngập lụt vùng duyên hải; giông bão gia tăng sẽ cản trở giao thông đường không, đường bộ và đường sắt; bão nhiệt đới cực mạnh xuất hiện thường xuyên hơn làm tê liệt dịch vụ hàng không, hàng hải; nhiệt độ tăng cao ở Bắc cực làm tan băng.

Cựu Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Mâu-ri-xơ Xtrong cảnh báo: “biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề an ninh trên toàn thế giới” và nhấn mạnh “giải pháp thực sự tháo gỡ vấn đề biến đổi khí hậu phụ thuộc vào sự hợp tác quốc tế, trong đó các nước phát triển phải giữ vai trò tiên phong”.

Tăng năng lượng tái tạo

Nhóm Nghiên cứu chính sách quốc tế vừa công bố báo cáo Năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21 (REN21) cho biết, thị trường toàn cầu các loại nhiên liệu tái sinh có thể làm giảm khí thải các-bon gây biến đổi khí hậu, đang phát triển nhanh. Năm 2007 mức cung cấp điện trên thế giới từ các nguồn năng lượng tái tạo đạt 240 gigawat (GW), tăng 50% so với năm 2004, tăng trưởng 25-30%/năm. Ðầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học… đạt 100 tỷ USD, tăng 3-4%/năm.

Hiện nay 64 quốc gia đã đặt mục tiêu về năng lượng tái sinh. Thế giới có khoảng 2,5 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái sinh và con số này đang gia tăng. Tuy nhiên “năng lượng xanh” mới chiếm 18% số năng lượng được sử dụng, năng lượng hóa thạch chiếm 79%.

World Watch ghi nhận sáng kiến của các Chính phủ là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo phát triển. Nhiều nhà khoa học ủng hộ việc tiến tới một nền kinh tế toàn cầu không có CO2 trước cuối thế kỷ này, nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghệ hiện nay khiến mục tiêu này có cơ hội trở thành hiện thực hơn bao giờ hết.

Trung hòa khí hậu

Cuối tháng hai vừa qua, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Nhóm Quản lý môi trường Liên hợp quốc khai trương Mạng trung hòa khí hậu (Climate Neutral Network-CN Net), theo đó liên kết những quốc gia, chính quyền địa phương và công ty cam kết cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tiến tới hình thành cộng đồng các nền kinh tế, địa phương và doanh nghiệp trung hòa khí thải đi-ô-xít các-bon (CO2), xây dựng nền kinh tế xanh toàn cầu.

Bốn quốc gia sáng lập CN Net nêu mục tiêu cụ thể. Costa Rica năm 2007 trồng hơn năm triệu cây, trở thành quốc gia có số cây trồng bình quân đầu người cao nhất thế giới (1,25 cây/người), đặt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2021 nhân kỷ niệm 200 năm Ðộc lập. Na Uy cam kết thực hiện vào năm 2030, sớm hơn kế hoạch trước 20 năm. Iceland sẽ cắt giảm 75% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. New Zealand nâng tỷ lệ điện sản xuất từ các nguồn tái sinh lên 90% vào năm 2040. Trong bốn thành phố tham gia CN Net có Vancouver (Canada), Vaxjo (Thụy Ðiển). Năm công ty tham gia là Co-Operative Financial Services (Anh), Interface (Mỹ), Natura (Brazil), Nedbank (Nam Phi) và Senoko Power (Singapore).

Siết chặt tiết kiệm năng lượng

Là biện pháp quyết liệt của Nhật Bản. Ðầu tháng ba, Chính phủ nước này thông qua Dự luật sửa đổi Luật tiết kiệm năng lượng nhằm cắt giảm thêm ít nhất năm triệu tấn CO2.

Luật hiện hành yêu cầu các nhà máy báo cáo mức khí thải CO2; các công ty có kế hoạch xây dựng trụ sở hoặc các tòa nhà diện tích sàn hơn 2.000m2 báo cáo biện pháp tiết kiệm năng lượng cho chính quyền địa phương. Theo Luật sửa đổi, 50% số đơn vị ngành thương mại (hiện tiêu thụ khối lượng năng lượng tương đương 10.000 thùng dầu thô/năm) phải báo cáo tình hình khí thải CO2 lên Chính phủ, tăng 10% so với hiện nay. Siết chặt quy định tiết kiệm năng lượng đối với các văn phòng, cửa hàng hoạt động 24/24 giờ là nỗ lực mới nhất của Nhật Bản nhằm thực hiện cam kết từ năm 2008-2012 giảm 6%/năm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 1990.

Xây “nhà xanh”

Ðây là mô hình nhà mới do Canada và Mỹ đề xuất. Báo cáo Xây nhà xanh ở Bắc Mỹ: Cơ hội và Thách thức cho biết, ngành xây dựng “gây tác động tới biến đổi khí hậu, hằng năm các tòa nhà ở Bắc Mỹ thải hơn 2.200 triệu tấn CO2, chiếm 35% lượng CO2 của lục địa này”.

Các chuyên gia cho rằng, những thay đổi căn bản trong thiết kế và thi công các công trình xây dựng có thể giúp giảm 35% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính; kiến nghị các kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư từ bỏ những thiết kế lạc hậu, chuyển sang công nghệ xây dựng mới, chú trọng việc giãn mật độ dân cư và bố trí hệ thống giao thông công cộng thuận tiện khi quy hoạch đô thị; áp dụng một số cải tiến cơ bản như xây tường cách ly dày hơn, lắp cửa sổ tiết kiệm năng lượng hơn, hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ, tránh dùng nguyên liệu xây dựng nhân tạo…

Các nhà môi trường nêu rõ việc xây nhà xanh đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Hiện chưa tới 4% số tòa nhà mới xây ở Bắc Mỹ đáp ứng mục tiêu mới khắt khe hơn về tiết kiệm năng lượng, an toàn cho sức khỏe và môi trường.

 
Chiếc máy bay Boeeng chạy bằng nhiên liệu sinh học.

Bay bằng nhiên liệu sinh học

Hãng Hàng không Virgin Atlantic của nhà doanh nghiệp Anh Richard Branson cuối tháng hai vừa qua cho chiếc Boeing 747 sử dụng nhiên liệu sinh học bay từ Luân Ðôn đi Hà Lan trong hai giờ. Chuyến bay nhằm chứng minh nhiên liệu mới có thể giảm một phần lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính; dầu sinh học chế từ dầu babassu và dầu dừa không cạnh tranh với các nguồn thực phẩm chính.

Theo các chuyên gia, một chuyến bay Canada – châu Âu xả lượng khí các-bon bằng một ô-tô thải trong một năm. Từ năm 1990 đến nay lượng khí thải mà ngành hàng không EU xả ra tăng 87%.

Hồi tháng 1, một máy bay chở khách Airbus A380 đã bay thử từ Anh sang Pháp bằng nhiên liệu phản lực thông thường và nhiên liệu lỏng chế từ hơi đốt tự nhiên. Hãng Hàng không New Zealand, Tập đoàn Rolls-Royce và Hãng sản xuất máy bay Boeing có kế hoạch thực hiện một chuyến bay thử bằng máy bay Boeing vào năm tới sử dụng một phần nhiên liệu sinh học.