Chợ tình Khau Vai chính thức họp vào ngày 27/03 Âm lịch, nhưng người ta đã đến chợ từ ngày 26. Đêm 26 mới là đêm tình yêu huyền thoại, đêm của những mối tình dang dở, gặp lại nhau.
Người người đổ về Khau Vai
Trời vừa chập choạng tối, đường phố Mèo Vạc đã sáng rực ánh đèn. Xe cộ tấp nập đổ về đô thị nhỏ bé trên cao nguyên đá này nhiều chưa từng thấy. Nhiều bảng số xe mang mã vùng ở khắp mọi miền đất nước, chen nhau chạy về hướng chợ tình Khau Vai, để kịp dự đêm chợ tình.
Từng đoàn xe chạy theo thành một đoàn dài, đèn pha sáng rực cả một đoạn đường đồi núi quanh co. Còn xe máy các loại nối đuôi nhau suốt chiều dài đoạn đường từ Mèo Vạc đến Khau Vai khoảng 29km không dứt. Một đêm tưng bừng náo nhiệt chưa bao giờ có trên vùng cao nguyên đá Mèo Vạc
Dẫu chưa biết đêm chợ tình Khau Vai như thế nào nhưng mọi người vẫn náo nức, nôn nao nghĩ rằng sẽ gặp những đôi tình nhân một thuở yêu nhau trắc trở, đêm nay họ thố lộ bao điều của tình yêu bằng những bài ca, giọng hát, cùng nắm tay nhau đi trên con đường mòn lên núi…
Tiếng hát đêm chợ tình
Nét thơ mộng sâu lắng của không gian chợ tình biến đâu mất. Sân chợ dành cho các đôi tình nhân hát hò, nay là một khu nhà mới xây, bên trong khách thập phương đến từ miền xuôi ngồi nhậu thắng cố đông nghẹt, ồn ào.
Khó khăn lắm mới đi được từ đầu chợ đến cuối chợ nhưng chỉ gặp toàn khách miền xuôi, hiếm thấy các chàng trai, cô gái người Mông, Tày, Nùng… – những nhân vật chính của phiên chợ tình đêm nay.
Thoảng trong những âm thanh náo nhiệt, văng vẳng tiếng hát đối đáp của đôi trai gái, giọng ca buồn da diết. Đó là tiếng hát tù phía miễu Ông, miễu Bà. Miễu Ông, miễu Bà là nơi thờ phụng hai người đã vượt qua lề thói không cho người khác bộ tộc yêu nhau, nhưng vì không muốn thấy cảnh tương tàn, máu đổ, họ đã nuốt nước mắt chia tay nhau, hẹn mỗi năm gặp lại nhau ngày chia tay, ngày 27/03 Âm lịch.
Nhưng thật không ngờ, khi đến nơi, thì đó là tiếng hát biểu diễn của hai ca sĩ trong đội văn nghệ của huyện Mèo Vạc, mà nhiều khách miền xuôi cứ nghĩ đó là những đôi tình nhân hát đối đáp nhau trong đêm tình hò hẹn. Họ hả hê quay phim chụp ảnh, thu băng bài hát. Có người còn khen cô gái, chàng trai hát hay quá, rồi yêu cầu họ dịch ra tiếng Việt về ý nghĩa của bài hát, ai cũng tâm đắc ghi ghi chép chép, cho rằng mình vừa có được một tư liệu cực kỳ đắt giá.
Có hai cô gái Mông trong y phục màu chàm mới tinh khôi, trên tay hai cô là hai chiếc nón bảo hiểm, chứng tỏ cả hai đi chợ tình bằng xe gắn máy. Hỏi chuyện, một cô gái trả lời trong nét mặt đầy tự hào: “Trước kia chúng tôi đi bộ từ Đồng Văn xuống đây mất gần một ngày. Nay có xe máy, chỉ đi một tí là tới, nếu vui thì chơi tới sáng, còn buồn thì về thôi, rồi sáng mai đi chợ tiếp”.
Ba thanh niên mặc quần jeans, áo chim cò, đang ngồi uống rượu tại quán cóc bên đường. Họ gọi hai cô gái bằng tiếng huýt sáo một hồi dài. Hai cô mừng rỡ được gặp người quen, cô giới thiệu với tôi đó là người cùng làng, cùng là người Mông.
Thỉnh thoảng chàng trai hưng phấn cất tiếng hát, có điều đó là những bài hát mà anh đã thuộc qua băng đĩa do các ca sĩ thường hát, không phải là những bài ca theo điệu Lượn, điệu Cội, làn điệu dân ca của dân tộc vùng cao.
Nét mới của người đi chợ tình năm nay là như vậy đó, có nhiều người không mặc y phục dân tộc riêng của mình, mà lại thích mặc những bộ đồ tây, bỏ áo trong quần.
Trên đường quay trở lại miễu Ông, miễu Bà, gặp vài đôi tình nhân vội vã đến đây, rồi vội vã ra đi sau khi thắp hương. Phải chăng họ chạy trốn cái không khí đã giết chết đêm tình yêu huyền thoại của họ và họ chạy đi tìm một góc trời riêng,ï mà không một ai biết tới. Bùi ngùi thắp nén hương trên miễu Ông, miễu Bà, xin cho những người đã khổ vì không được trọn vẹn mối tình đầu, hãy cho họ niềm hạnh phúc trong đêm tình huyền thoại của thuở nào.
Nghe tiếng hát cảm thấy chạnh lòng, chính chúng ta là người có lỗi nhưng ai sẽ là người xin lỗi và kịp thời sửa lỗi. Đành rằng ngày chợ tình có thể là ngày hội du lịch nhưng phải có hướng tổ chức như thế nào để không đánh mất cái đẹp hoang sơ, chân chất mà độc đáo ấy.