Một công trình nghiên cứu toàn diện của nhóm các nhà khoa học quốc tế, đứng đầu là Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã củng cố quan điểm cho rằng sự nóng lên của Trái đất là nguyên nhân làm thay đổi hàng chục nghìn hệ sinh thái và quá trình hoạt động của nhiều loài động thực vật.
Công trình nghiên cứu này dựa trên số liệu phân tích 30.000 hệ sinh học và lý học trong khoảng thời gian từ năm 1970 trở lại đây, trong đó có sự vận động của 829 hiện tượng vật lý và hoạt động của 28.800 loài sinh vật.
Các nhà nghiên cứu, đứng đầu là Cynthia Rosenzweig của Viện nghiên cứu không gian Goddard – Mỹ thuộc Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã lập một bản đồ hành tinh với một hệ thống màu đánh dấu những khu vực nóng hơn hoặc lạnh hơn từ năm 1970 đến năm 2004.
Sau đó, họ gắn hệ thống các dữ liệu trên bản đồ để theo dõi liệu những khu vực này có ấm lên hay không. Chẳng hạn, hoa có thể nở sớm hơn ở những vùng nóng lên rõ rệt.
Trong số khoảng 90% các trường hợp được nghiên cứu, các nhà khoa học đã khẳng định có những dấu hiệu chứng tỏ sự biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới những khu vực đó.
“Tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra tác động mạnh mẽ tới các hệ sinh thái ở cả trên quy mô toàn cầu cũng như quy mô lục địa” – Cynthia Rosenzweig cho biết.
Theo đó, những vấn đề bị ảnh hưởng rõ rệt nhất là thay đổi thời kỳ hoa nở, thời kỳ chim làm tổ, tan băng, sự di cư của cá hồi và làm giảm sút số lượng gấu vùng cực.
Các quan sát này được thực hiện chủ yếu ở Châu Âu và một vài nơi khác như Châu Phi, Châu Úc và Châu Mỹ Latin. Các cơ sở dữ liệu có được từ việc quan sát các hiện tượng tự nhiên bất thường, đóng vai trò chủ đạo phục vụ nghiên cứu này.