Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bùng phát nạn khai thác khoáng sản (chủ yếu là thiếc và cát) ở vùng rừng đầu nguồn và nơi đầu các nguồn nước (sông, suối). Trong đó, “nóng” nhất hiện nay là nạn khai thác tại hai dòng suối đầu nguồn thuộc huyện Lạc Dương là Đạ Khai (xã Đa Nhim) và Đạ Dung (xã Lát).
Xã, huyện ra quân vẫn chưa ăn thua
Đạ Khai là một trong những con suối đầu nguồn của sông Đa Nhim. Đạ Dung là đầu nguồn nước đổ vào hồ Suối Vàng. Nạn khai thác khoáng sản trái phép hoặc sai phép ở hai con suối này diễn ra khá dài và trở nên rầm rộ kể từ Tết âm lịch đến nay.
Một vị cán bộ lãnh đạo xã Đa Nhim cho biết, có đôi lần xã “ra quân” cùng với lực lượng chức năng của huyện nhằm trục xuất các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ở suối Đạ Khai nhưng sau mỗi lần rút quân thì tình hình lại đâu vào đấy.
Theo cán bộ xã Đa Nhim, trước đât vùng đất này được UBND tỉnh giao cho Công ty 7/5 khai thác cát để phục vụ việc thi công tuyến đường 723 với chiều dài theo mốc đã cắm là 2km dọc theo dòng suối. Sau khi Công ty 7/5 tiến hành khai thác cát theo giấy phép được một thời gian thì người dân phát hiện dưới lòng đất ven suối Đạ Khai không chỉ có cát mà còn có cả thiếc. Tin một đồn mười, người dân từ các nơi kéo về dựng trại và đưa cả máy xúc, máy ủi vào khai thác cả ngày lẫn đêm.
Theo Công an huyện Lạc Dương, từ tết đến nay, lực lượng chức năng của huyện đã tiến hành giải tỏa bãi thiếc Đạ Khai đến 4 đợt, mỗi đợt trục xuất hàng trăm người ra khỏi địa bàn nhưng sau khi lực lượng chức năng rút đi, tình hình vẫn không được cải thiện.
Hết phép vẫn được khai thác?
Cùng với bãi thiếc Đạ Khai đang “nóng” lên từng ngày, công trường khai thác cát nơi đầu nguồn nước Suối Vàng cũng sôi động không kém. Theo cán bộ UBND xã Lát, bãi cát nói trên được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho một người dân ở ngụ tại đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Đà Lạt khai thác. Theo giấy phép, cá nhân này chỉ được khai thác trong phạm vi 1 km dọc theo suối Dạ Dung và tổng khối lượng cát được phép khai thác là 3.000m3 (thời hạn khai thác từ tháng 08/2006 – 08/2007).
Một cán bộ xã Lát cho biết: Thật khó mà đo đếm được mỗi ngày tư nhân này khai thác bao nhiêu cát. Chỉ biết rằng hằng ngày trung bình có đến vài chiếc xe lớn (có ngày lên đến 10 xe) cứ thế ùn ùn ra vào liên tục làm náo động cả một vùng. Không chỉ bắt đầu khai thác kể từ khi được cấp phép (tháng 08/2006) mà việc khai thác đã được ông chủ này tiến hành từ trước đó rất lâu. Và, từ khi giấy phép hết hạn (tháng 08/2007) đến nay, “ông chủ” này chưa hề trình báo bất kỳ một thứ giấy tờ nào khác cho chính quyền địa phương”.
Với lực lượng hiện có, theo nhận định của nhiều người, chỉ trong vòng 2 – 3 tháng, “ông chủ” này có thể khai thác đủ khối lượng cát được ghi trong giấy phép (3.000m3). Còn trong thực tế, ông này không chỉ khai thác ở phạm vi 1km theo giấy phép mà hiện trường đã lên đến trên 2km. Vì thế, phía đầu nguồn nước của hồ Suối Vàng hiện đã bắt đầu nhiễm bẩn.
Những năm trước, nạn khai thác trái phép khoáng sản ở Lâm Đồng đã từng làm đau đầu các nhà chức trách và phải tốn không ít tiền của và công sức để lập lại được trật tự. Nhưng, chỉ lắng đi được trong một thời gian ngắn, nạn khai thác khoáng sản làm hư hại môi trường, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến rừng đầu nguồn… lại tái diễn ở Lâm Đồng…