ThienNhien.Net – Một Báo cáo quốc tế đánh giá về các tri thức khoa học và công nghệ trong nông nghiệp phục vụ cho phát triển đã kêu gọi các nhà hoạch địch chính sách về hành chính, kinh tế, pháp luật… phải kết hợp với việc bảo vệ và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nhằm góp phần thay đổi nền nông nghiệp.
Giới thiệu bản báo cáo tại Nairobi, Giáo sư Judi Wakhungu – Giám đốc điều hành, Trung tâm nghiên cứu Công nghệ châu Phi (ACTS) đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải đối phó với tình trạng bấp bênh của an ninh lương thực và vấn đề suy thoái môi trường. Bà nói: “Sự quan tâm đối với việc sản xuất nhiên liệu sinh học và tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến giá lương thực”
Bản báo cáo được phát hành cùng lúc ở Washington, London, New Delhi, Paris và các thành phố khác trên toàn thế giới. Theo bản báo cáo này, nền nông nghiệp hiện đại đã có sự tăng trưởng đáng kể trong sản xuất lương thực. Tuy nhiên, kiến thức bản địa và những hiểu biết về kỹ thuật nông nghiệp mới thì chưa đầy đủ. Nội dung giáo dục chủ yếu nhằm vào những kiến thức mà không có tác dụng gì để xây dựng những kỹ năng giải quyết vấn đề cho người dân. Điều đó đã tạo ra một thách thức lớn trong việc mở rộng các ngành dịch vụ cho người nông dân.
Tiến sỹ Washington Ochola, một giảng viên lâu năm của trường Đại học Egerton cho biết: “Do ảnh hưởng của văn hoá phương Tây nên đa số những người có bằng cấp xu hướng bỏ qua những nghề nghiệp liên quan đến đồng cỏ, họ không thích những công việc đồng áng”
Bản báo cáo này cũng yêu cầu tăng cường khả năng sử dụng những kiến thức. Do đó những người nông dân sản xuất nhỏ sẽ có hy vọng thu được lợi nhuận từ những kỹ thuật, công nghệ và tín dụng từ nhiều cơ quan cung cấp nguồn vốn và thông tin
Tiến sỹ Mairion Cheatle, phó giám đốc phụ trách hành chính của Cơ quan Đánh giá và Cảnh báo sớm cho biết thêm, cần thiết phải cung cấp những kiến thức hoàn chỉnh cho những người nông dân địa phương thông qua hoạt động truyêng thông một cách hiệu quả.
Tiến sỹ Marion nói:” Bản báo cáo IAASTD nên được xem xét để đưa ra những quyết định phù hợp và hướng đẫn thay đổi chính sách. Nó là kết quả ba năm làm việc của một nhóm cộng tác gồm hơn 400 nhà khoa học, 30 chính phủ các nước phát triển và đang phát triển cũng như là 30 tổ chức xã hội”.
Giáo sư Wakhungu cho biết: “Quá trình thực hiện báo cáo đã thu hút các chuyên gia hàng dầu trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào những ảnh hưởng về xã hội và kinh tế. Nó đòi hỏi cần phải xác định những trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp để đáp ứng sự tăng trưởng kinh tế, vì nông nghiệp chiếm trung bình 32% GDP của các vùng”.
Với nhu cầu về lương thực được dự đoán là sẽ tăng gấp đôi trong vòng 25 – 50 năm tới, các nhà hoạch định chính sách, trước hết là ở các nước đang phát triển không được để lỡ mất cơ hội.
Bản báo cáo cũng lưu ý rằng sự cấp bách đó còn cần phải được chú trọng hơn ở những nước mà sự trợ cấp lương thực cho những người nông dân nghèo đã trở nên phổ biến.
Tiến sỹ Marion lặp lại: “Các chính phủ nên ưu tiên hàng đầu cho ngành nông nghiệp trong nỗ lực để giành được sự tăng trưởng bền vững”.
Trong khi các tác giả IAASTD rất tin tưởng vào những thành công trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học và công nghệ như sự cải tiến giống cây trồng và vật nuôi, kiểm soát các loài gây hại bằng biện pháp sinh học, thì số người nghèo vẫn tăng lên ở tỷ lệ đáng báo động 30% và bằng với tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Báo cáo này được Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc khởi xướng nhằm phân tích tiềm năng kỹ thuật, khoa học và công nghệ để giảm tình trạng đói nghèo, cải thiện sinh kế và việc làm ở nông thôn hướng đến sự phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững.