Tuần báo Der Spiegel của Đức đăng một báo cáo về việc các quần thể thực động vật bị tàn phá và mất đi sẽ làm thế giới mỗi năm thiệt hại khoảng 3.100 tỷ USD, tương đương 6% GDP của các quốc gia trên toàn cầu.
Theo tác giả của bản báo cáo nghiên cứu “Kinh tế học của Hệ thống sinh thái và Đa dạng sinh học” nói trên, các nước nghèo trên thế giới sẽ gánh chịu nhiều thiệt hại nhất.
Báo cáo do Liên minh châu Âu và Bộ Môi trường Đức chủ trì thực hiện dự kiến được trình lên Hội nghị Liên hợp quốc về Đa dạng sinh học diễn ra tại Bonn vào ngày 19/05. Vấn nạn phá rừng, yếu tố chính gây ra tình trạng tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật, là nội dung trung tâm của hội nghị năm nay.
Theo Liên minh Bảo tồn Thế giới (WCU), 1/4 số động vật có vú, 1/8 số chim muông, 1/3 số sinh vật lưỡng cư và 70% thảo mộc hiện đang nằm trong danh sách các giống loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Thủ tướng Đức Angela Merkel dự định sẽ thông báo kế hoạch tăng viện trợ của quốc gia này cho cuộc chiến chống nạn tàn phá rừng cùng với Na Uy, nước cam kết dành 500 triệu USD mỗi năm cho nỗ lực bảo vệ rừng./.