Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có hàng ngàn hec-ta đất quy hoạch đô thị bị các chủ đầu tư chiếm đất, xí phần rồi quy hoạch treo, để đất hoang hóa. Còn chủ đầu tư tìm cách sang nhượng dự án kiếm lợi nhuận. Trong khi đó, nông dân mất đất sản xuất, phải chuyển nghề và lâm cảnh khó khăn.
Khu đô thị Nam Cần Thơ là một điển hình của phong trào đô thị hoá. Khoảng 2.000ha đất trước kia là vùng trồng lúa sản xuất hoa màu và trái cây trù phú của TP Cần Thơ bỗng chốc được gắn cho nhóm từ “Khu đô thị Nam sông Cần Thơ”. Cũng từ đó, vào năm 2000, con đường Quang Trung – Cái Cui bắt đầu thi công, mở mũi cho phong trào đô thị hoá ào ạt.
Hàng chục ngàn hộ dân tay lấm, chân bùn, quanh năm chỉ biết làm rẫy, làm ruộng và làm vườn ở khu đô thị Nam Cần Thơ sau năm 2000 đã lần lượt bán ruộng, bán đất cho các chủ đầu tư theo hình thức “tự thoả thuận” để rồi dần dần theo cuộc sống “đô thị hoá nửa mùa”, bằng nghề chạy xe ôm, làm ăn công, làm hồ ở các dự án.
Từ phong trào đô thị hóa
Kết quả là từ năm 2003-2006, có đến khoảng 1.000ha, trong tổng số 2.000ha đất ở khu đô thị Nam Cần Thơ phải bỏ hoang hoá do nhiều nguyên nhân như: Các dự án thi công, phá vỡ hệ thống thuỷ lợi, nông dân không thể trồng lúa, sản xuất rau màu và trái cây được nữa. Ngay chính những nơi gọi là khu đô thị cũng có những vùng cỏ mọc đầy um tùm như rừng hoang.
Anh Lương Văn Khai, một nông dân ở khu vực 3 phường Hưng Thạnh cho biết: “Trước năm 2000, toàn bộ khu Nam Cần Thơ là một vùng đất ruộng vườn trù phú, tuy ở sát TP Cần Thơ chỉ cách con sông Cần Thơ qua là tới nhưng vùng đất này là một vùng đất vườn, ruộng, rẫy, hiện nay phần lớn diện tích đất vườn ruộng rẫy này bị hoang hoá do phong trào đô thị hoá diễn ra trên diện rộng”.
Theo ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng ban Quản lý khu đô thị Nam Cần Thơ, trên địa bàn Nam Cần Thơ hiện còn 26 dự án khu dân cư, khu tái định cư có hiệu lực. Tổng diện tích các dự án khu dân cư, khu tái định cư chiếm 1026ha đất. Trong 26 dự án chỉ có hơn 10 dự án thi công, số còn lại chậm triển khai, ban quản lý khu đô thị này đang xem xét và đề nghị thu hồi dự án.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, trên địa bàn TP Cần Thơ hiện nay có hơn 5.752ha đất thuộc 66 đồ án qui hoạch xây dựng đang triển khai thực hiện, làm cơ sở để lập các dự án đầu tư. Về dự án đầu tư đã có 85 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích hơn 2.600ha. Trong đó có 28 dự án có quyết định giao đất với diện tích 652ha, 33 dự án đang triển khai nhưng chưa có quyết định thu hồi và giao đất với diện tích 1355ha, 24 dự án bị thu hồi chủ trương do chậm triển khai theo qui định với diện tích 592ha…
Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên một số dự án ở TP Cần Thơ chậm triển khai, tạo nên tình trạng da beo trên diện rộng tại vùng ven TP Cần Thơ, gây ra những tác động tiêu cực trong quá trình đô thị hoá, đây cũng là tình trạng chung của các tỉnh thành ĐBSCL.
Tại An Giang, đến năm 2006, trên địa bàn tỉnh bao gồm TP Long Xuyên và các huyện thị đã có 3.450ha đất đô thị hoá, dân số chiếm hơn 610.000 người. Theo qui hoạch của tỉnh, đến năm 2010, dân sẽ nâng mức đô thị hoá lên 4.950ha, tăng khoảng 1.500ha so với năm 2006. Trong đó nâng TP Long Xuyên lên đô thị loại II, và thị xã Châu Đốc lên đô thị loại III vào năm 2010. Trong vòng 4 năm, An Giang sẽ có 1.500ha đất nông nghiệp đô thị hoá. Tổng số vốn cần để đầu tư hạ tầng kỹ thuật lên đến khoảng 2.500 tỉ đồng.
Thực hiện bước đi đô thị hoá như trên, An Giang làm thế nào để tránh sự lãng phí đất đai, đô thị hoá nhanh và đạt hiệu quả cao? Tất cả trông chờ vào các nhà đầu tư đến từ trong nước, tuy nhiên, quá trình đô thị hoá hiện nay đang gặp phải khó khăn chung là thị trường bất động sản đóng băng do khó khăn về tài chính. Theo chúng tôi được biết, hiện nay phần lớn các dự án khu đô thị ở An Giang các nhà đầu tư vẫn chậm tiến độ do khó khăn từ tài chính thị trường bất động sản.
Khu đô thị Bình Minh (Vĩnh Long) tiến triển chậm chạp. |
Một khu đô thị nghe nói nhiều nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu là khu đô thị Bình Minh (Vĩnh Long). Theo hiện trạng, Bình Minh có đất trong vùng đô thị hoá là 112ha, đến năm 2010 đô thị hoá lên 410ha, đến năm 2020 là 680ha. Một khu đô thị mới với đầy đủ các phân khu chức năng như: Khu văn hoá thể thao, khu thương mại dịch vụ, khu phố, khu công nghiệp… được qui hoạch đầy đủ. Tuy nhiên, gần 10 năm Bình Minh hô hào đô thị hoá, việc kêu gọi đầu tư diễn ra chậm chạp, tất cả các khu qui hoạch đô thị hoá vẫn nằm im.
Chỉ một nhà đầu tư duy nhất có dự án triển khai đó là Công ty cổ phần địa ốc Hoàng Quân Mê Kông triển khai dự án hơn 160ha tại xã Mỹ Hoà, Bình Minh. Tuy nhiên, dự án khu công nghiệp vẫn chưa có nhà xưởng nào triển khai, chỉ thấy độc nhất là những dãy phố xây dựng lên trên diện tích 30ha gọi là khu nhà ở chuyên gia nhưng chủ yếu xây dựng để bán. Ai có nhu cầu thì mua!
Tình trạng của Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ là những trường hợp khá điển hình cho phong trào đô thị hoá ở ĐBSCL, tỉnh nào, TP nào cũng qui hoạch đô thị, ngay cả huyện xã cũng hô hào đô thị hoá. Kết quả là đất nông nghiệp bị giao cho giới kinh doanh đất, san lấp cát và phân lô bán nền, chủ yếu là lấy lợi nhuận, và hàng ngàn hec-ta đất vùng ĐBSCL màu mỡ của nông dân bị thu hồi, hàng vạn nông dân chuyển đổi nghề nghiệp vì không còn đất canh tác.
Hệ quả của phong trào đô thị hóa
Một cán bộ phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng TP Cần Thơ, cho biết trên địa bàn phường Hưng Thạnh có 23 dự án, trong đó có 19 dự án khu dân cư, khu tái định cư. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai qui hoạch các dự án, đến nay chỉ có 8 dự án triển khai thi công, số còn lại là dự án treo.
Từ thi công dự án loang lổ, bồi thường giải toả chậm, kéo theo nhiều vùng đất nông nghiệp trên địa bàn phường bị phá vỡ, hệ thống thuỷ lợi phục vụ tưới tiêu nước cho cây lúa, vùng màu và vườn cây trái, nông dân bắt đầu bỏ ruộng vườn hoang hoá.
Trong các năm 2004-2007, đã có hơn 50% đất nông nghiệp mà nông dân không thiết tha trồng trọt nữa. Đầu năm 2008, giá lúa tăng cao, một số nông dân cố gắng quay lại tự khôi phục thuỷ lợi để trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, nguyên do là hệ thống nước tưới tiêu thất thường, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao.
Khu đô thị Nam Cần Thơ bên cạnh là rừng lau sậy. |
Theo ông Mai Hồng Châu, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, trên địa bàn quận Cái Răng, phần lớn là đất khu đô thị Nam Cần Thơ hiện có 19 dự án kinh tế xã hội, 26 dự án khu dân cư. Nhìn chung, tổng thể Nam Cần Thơ có hơn 2.000ha, thì các dự án chiếm diện tích hơn 1.000ha.
Cách nay hơn 20 năm, khi đánh giá về vùng đất ĐBSCL, một chuyên gia nghiên cứu về nông nghiệp của Hoa Kỳ có cho rằng: “Châu thổ sông Cửu Long là một trong những vùng đất trù phú nhất thế giới”. Hai mươi năm trôi qua, từ khi bước sang đầu những năm 1990, nước ta bắt đầu sản xuất lương thực dư dùng mà còn xuất khẩu. Nếu không phải nguồn lúa gạo từ ĐBSCL thì từ đâu ta lấy ra lúa gạo hằng năm xuất khẩu thu về hàng tỉ đô la?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh – Khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ, phải có qui hoạch công nghiệp để phát triển nhưng không nên lãng phí đất nông nghiệp một cách tràn lan để đô thị hoá, mở sân gofl theo kiểu phong trào.
Tại Cần Thơ, hiện nay cũng đã có qui hoạch và phát triển sân gofl, khu vui chơi giải trí kết hợp với trường đua chó ở quận Bình Thuỷ… Tại Hậu Giang cũng đã có phương án mở sân gofl 200ha… rồi còn bao nhiêu sân gofl nữa sẽ mở ra, một dự án sân gofl cần trung bình 180-200ha, cần 5.000m3 nước/ngày, phục vụ cho bao nhiêu người? Và sẽ có ít nhất 300 hộ nông dân phải tái định cư, thiếu công ăn việc làm để nhường chỗ cho một sân gofl. Họ phải rời bỏ ruộng vườn, rời bỏ nơi canh tác, sinh sống để phục vụ cho mục đích vui chơi giải trí. Phong trào đô thị hóa, tỉnh nào cũng đô thị hoá, công nghiệp hoá, tỉnh nào cũng qui hoạch 5-10 khu công nghiệp… đang làm cho đất trồng trọt ở ĐBSCL ngày một cạn dần.
Trở lại chuyện đô thị hoá và lãng phí đất nông nghiệp, vùng đất Nam Cần Thơ hiện nay hơn 2.000ha qui hoạch khu đô thị, đến nay chỉ có vài trăm hec-ta là có dự án đầu tư xây dựng, số còn lại phần lớn là xí phần, chiếm chỗ, dự án treo để có dịp sang bán dự án kiếm lời, trong khi đó hệ thống thuỷ lợi gần như tê liệt, ruộng đất bị hoang hoá, nhiều nơi cỏ mọc như rừng.
Bên cạnh những nơi gọi là đô thị hoá là cảnh lau sậy mọc như rừng, đền bù giải toả rất chậm, ì ạch trong đô thị hoá, kéo theo nhiều mảnh đất màu mỡ trở thành vùng hoang hoá. Cần Thơ và một số đô thị khác ở ĐBSCL đang lãng phí tài nguyên đất một cách vô tội vạ.