Trước khi xảy ra dịch “tai xanh”, tổng đàn lợn của Thanh Hoá gần 1,4 triệu con. Chính vì thế nguồn thực phẩm từ “cái kho khổng lồ” này đã được các địa phương như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…cùng với 4 triệu dân nội tỉnh sử dụng thoải mái.
Sáng 16/05, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hoá chủ trì một cuộc họp khẩn với các ngành và địa phương bàn phương án phục hồi đàn lợn sau dịch. Mở đầu cuộc họp, ông Trịnh Văn Chiến- GĐ Sở, Phó BCĐ chống dịch “tai xanh” của tỉnh đã phát biểu với mong muốn các đại biểu “hiến kế’ nhằm tìm kiếm giải pháp khôi phục đàn lợn.
Nhiều đại biểu tỏ ý không đồng tình với công văn 750 do GĐ Sở ký ngày 15/05 quy định: “Hộ chăn nuôi ở xã, phường thị trấn không có dịch “tai xanh”, nếu lợn khoẻ mạnh, đảm bảo vệ sinh thú y và có cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm liên hệ với cơ sở giết mổ ở các tỉnh không có dịch thì được phép vận chuyển, tiêu thụ, nhưng phải được kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển của Chi cục Thú y”.
Đa số các đại biểu đề nghị nên uỷ quyền cho Trạm Thú y huyện được phép kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận cho việc lưu thông, giết mổ. Ông Hoàng Như Đức- PCT UBND huyện Nông Cống nói: “Tôi được biết Chi cục Thú y chỉ có 4 cán bộ chuyên môn đủ điều kiện tham gia việc kiểm dịch trong vận chuyển lợn ra khỏi địa bàn. Huyện Nông Cống đã rải thảm đỏ mời gọi họ về làm giúp việc kiểm dịch nhưng trong một buổi sáng 4 người này chỉ làm được trang trại chưa đầy 100 con lợn rồi phải về huyện khác. Thanh Hoá có 26/27 huyện, thị với 473 xã bị dịch, liệu 4 người này có kham nổi việc kiểm dịch để cho xuất chuồng hay không. Theo tôi nên uỷ quyền cho Trạm Thú y”. Ý kiến ông Đức được các đại biểu tán đồng.
Một điều nữa mà các đại biểu cũng không đồng tình, đó là việc Sở NN- PTNT đưa ra dự kiến trong việc thực thi chính sách hỗ trợ tiêu huỷ lớn như vừa qua. Theo Sở thì “hỗ trợ 34.000đ/kg cho lợn nái và lợn đực, 20.000đ/kg cho lợn thịt” nhưng ông Hoàng Viết Chọn- PCT UBND huyện Thiệu Hoá cho rằng: “Mấy ngày đầu còn không ghi rõ đâu là lợn nái, đâu là lợn thịt huống hồ giờ phải rạch ròi ra lợn nái, lợn thịt, lợn đực, lợn cái…Tôi đề nghị giữ nguyên một mức hỗ trợ chung là 25.000đ/kg lợn thịt. Như thế vừa nhanh, vừa không phát sinh tiêu cực trong việc rà soát lại”. Ý kiến của ông Chọn cũng được đa số các đại biểu nhất trí.
Về chính sách tái đàn, Sở NN- PTNT công bố “Cho các hộ vay đầu tư mua lợn nái ngoại ngoài khu trang trại chăn nuôi tập trung, mức cho vay là 4 triệu đồng/con. Hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng cho các hộ đầu tư mua lợn nái và đực giống, theo lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước hiện tại là 1,4% trong thời gian 2 năm”. Nhưng ông Trần Bình Quân- PCT UBND huyện Triệu Sơn cho rằng, sẽ không tránh khỏi tiêu cực trong việc xác định hộ mua lợn nái mới từ chính sách cho vay và hộ đang còn giữ được lợn do không bị dịch. Đó là chưa nói tình trạng khai man và trao đổi lợn cũng như mượn lợn để được vay tiền mà không bị chịu lãi suất.
Hà Tĩnh: Dân bỏ đói lợn vì hết tiền mua cám
Dịch “tai xanh” tràn đến Hà Tĩnh như một cơn bão tàn phá dân nghèo tỉnh này suốt từ giữa tháng 3 đến nay. “Bão” dịch đang dần qua đi thì người dân lại đối mặt với nỗi lo mới – đó là lợn đến tuổi xuất chuồng mà không được phép tiêu thụ… Nhiều hộ đã bỏ đói lợn vì hết tiền mua cám.
Trong cơn đại dịch, thiệt hại nặng nhất là huyện Cẩm Xuyên và 2 xã Thạch Hội, Thạch Thắng của huyện Thạch Hà. Ông Nguyễn Văn Thanh – một người dân xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) nói trong thất vọng: “Nhà tui nghèo, chỉ nuôi 2 con lợn mà đã không kiếm đủ cho chúng ăn huống hồ các hộ chăn nuôi trang trại quy mô cả trăm con. Thời buổi thóc cao gạo kém này, nhiều nhà đứt bữa nói chi đến mua thức ăn cho lợn. Mà đầu tư vào mai mốt dịch trở lại thì nguy, nghĩ vậy nên tôi chỉ cho chúng ăn rau cầm cự qua ngày”.
Chị Hoa, người cùng xã với ông Thanh có 10 con lợn thịt may mắn không bị dịch kể: “Tôi thường mua lợn giống cỡ 10kg/con, và chỉ nuôi sau 3 tháng đã xuất chuồng. Nay lợn đã 5 tháng, mỗi con trên tạ cả rồi mà vẫn chưa được bán. Từ trước đến nay, tôi thường được các đại lý thức ăn gia súc cho mua nợ, đến khi bán lợn mới trả. Nhưng giờ nhiều đại lý cũng “chết” dây chuyền theo dịch “tai xanh” vì người nuôi lợn trắng tay nên không thể thanh toán nợ cho đại lý. Cứ nhìn đàn lợn con nào con nấy to như bò mộng suốt ngày đói ăn mà tôi như ngồi trên lửa…”
Gần với Cẩm Bình là xã Thạch Hội. Xã này có tổng đàn lợn 8.572 con lợn thì 3.127 con bị bệnh phải tiêu huỷ. Số còn lại, các gia đình đang “tiến thoái lưỡng nan” vì người dân không còn tiền mua thức ăn cho lợn. Thậm chí có nhiều hộ bỏ đói đàn lợn trong chuồng đã quá thời kỳ xuất bán. Đến thăm gia đình ông Nguyễn Minh Dư ở thôn Nam Thái, nuôi tới 150 con lợn. Khi dịch xảy ra, gia đình ông phải tiêu huỷ 32 con. Theo ông Dư nếu không có dịch, đàn lợn này xuất chuồng ông có thể thu về trên 30 triệu đồng.
Nhìn số lợn còn lại nằm chen chúc nhau, bụng lép kẹp, ông Dư ngẹn ngào: “Gia đình tôi chỉ trông chờ vào đàn lợn, nhưng lợn đầy chuồng mà không bán được trong khi thức ăn cho chúng thì phải chạy vạy từng bữa, đi vay thì không ai cho, mua nợ thức ăn các đại lý không bán. Cả gia đình hầu như chẳng đêm nào ngủ được bởi đàn lợn đói ăn kêu gào, cấu xé nhau. Thương chúng lắm nhưng cũng không thể kham nổi. Vả lại người còn chịu đói nữa là lợn”.
Không riêng gì ông Dư mà còn rất nhiều hộ chăn nuôi khác cũng lâm vào cảnh khốn đốn, trớ trêu như thế. Ông Nguyễn Thanh Long, PCT UBND xã Thạch Hội cho biết: “Chúng tôi tha thiết mong các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh, huyện quan tâm cho bà con vay vốn ngân hàng, trước mắt khôi phục đàn lợn còn sót lại để khi hết dịch, các hộ này có cơ hội tiếp tục chăn nuôi, góp phần “kéo” lại số lợn đã mất…”.