Từ việc xử lý 7.000 tấn thép phế liệu cho thấy, để ngăn chặn kịp thời việc nhập khẩu chất thải vào Việt Nam dưới danh nghĩa nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước về Môi trường, Công an, Hải quan và các địa phương cần phải phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong quá trình điều tra cũng như phát hiện.
Thủ tướng cho phép thông quan 7.000 tấn thép phế liệu
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc kinh doanh nhập khẩu phế liệu, ngày 07/01/2008, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ra Quyết định số 16/QĐ-BTNMT về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực tế các lô hàng thép phế liệu nhập khẩu tại thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Đoàn kiểm tra kết luận phế liệu nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT) quy định tại điểm a, b và c khoản 1 Điều 43 của Luật Bảo vệ môi trường.
Cụ thể: phế liệu có lẫn chất thải nguy hại, chưa được phân loại riêng giữa chất thải nguy hại với chất thải thông thường, chưa được xử lý trước khi ép thành khối, bánh. Quyết định xử lý của các cơ quan hữu quan là phù hợp với thực tế và đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các hành vi vi phạm pháp luật trong việc nhập khẩu thép phế liệu, các công ty nhập khẩu phế liệu đã bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ thép phế liệu nhập khẩu vi phạm.
Tuy nhiên, việc tái xuất các lô hàng thép phế liệu vi phạm khó thực hiện, vì các nước xuất khẩu không muốn nhận lại các lô hàng thép phế liệu nêu trên.
Trước tình hình thực tế trên, Bộ Công thương và Hiệp hội Thép Việt Nam đã đề xuất phương án xử lý tình thế cho thông quan và xử lý các lô hàng thép phế liệu vi phạm trong lò điện hồ quang luyện thép của các nhà máy sản xuất thép có đầy đủ các thiết bị xử lý môi trường (thực chất là cho vào lò luyện để luyện thép).
Tuy nhiên, việc cho phép thông quan và xử lý các lô hàng thép phế liệu vi phạm nêu trên vượt quá thẩm quyền của Bộ TN&MT. Do đó, căn cứ đề xuất của Bộ TN&MT, ngày 31/03/2008, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã đồng ý phương án xử lý tình thế đối với các lô hàng thép phế liệu bị giữ tại cảng Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh từ năm 2007 đến thời điểm này không thể tái xuất được.
Ngày 28/04/2008, Bộ TN&MT đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn để đánh giá Phương án BVMT trong xử lý thép phế liệu nhập khẩu vi phạm pháp luật của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Công ty Cổ phần thép Đình Vũ, Công ty Cổ phần Kim khí thành phố Hồ Chí Minh (Phương án BVMT của Công ty TNHH Thương mại Anh Trang và Công ty Cổ phần Kim khí Hưng Yên, chưa đầy đủ các nội dung theo yêu cầu tại Công văn số 1308/BTNMT-BVMT nên chưa đưa ra Hội đồng).
Hội đồng đã nhất trí với Phương án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Cổ phần thép Đình Vũ về xử lý thép phế liệu vi phạm tại các nhà máy trực thuộc Công ty, vì công nghệ luyện thép tại các nhà máy này là công nghệ luyện phôi thép bằng lò hồ quang điện, có hệ thống xử lý khí thải đồng bộ, trong thời gian qua đã hoạt động ổn định.
Từ vụ việc xử lý các lô hàng thép phế liệu nhập khẩu trái phép trên cho thấy, tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu vì lợi nhuận lớn đã cố tình vi phạm pháp luật, nhập khẩu trái phép phế liệu chưa được phân loại để loại bỏ chất thải, thậm chí còn lẫn cả chất thải nguy hại (thực chất là nhập khẩu chất thải) có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Việc điều tra, kiểm tra và xử lý các lô hàng thép phế liệu nhập khẩu vi phạm pháp luật nêu trên đã làm mất rất nhiều thời gian và công sức của các cơ quan chức năng và việc xử lý hết sức phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương.