Hơn 10 năm nay gần 950 hộ dân ở hai thôn Tân Hòa và Phú Sơn, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định phải dùng nước sinh hoạt lấy từ giếng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc nhưng lời thỉnh cầu của họ đến nay vẫn chưa có câu trả lời.
Phải gồng mình sống trong điều kiện nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng, ông Hà Ngọc Xuân, thôn Tân Hòa bức xúc: “Dưới lòng đất dọc tuyến quốc lộ này trước năm 1975 có đường ống dẫn dầu. Trải qua năm tháng, đường ống dẫn dầu này bị mục, vỡ, gây rò rỉ, dầu thấm thấu vào lòng đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm. Sự việc chưa được giải quyết thì cách đây hơn 10 năm, UBND huyện An Nhơn quy hoạch tại đây 1 bãi rác chỉ cách khu dân cư chúng tôi chừng 200m.
Rác từ khắp nơi, mà nghiêm trọng nhất là rác thải của nhiều bệnh viện tập trung về. Lập tức không khí cả vùng này ngập ngụa mùi tanh tưởi, hôi thối. Đến bữa ăn, bà con phải dọn vào trong mùng thì mới có thể tránh được ruồi. Chúng tôi kêu cứu lên nhiều cấp thì mới được đơn vị quản lý bãi rác xử lý phun thuốc diệt ruồi nhưng cũng chỉ được vài ngày ruồi lại “tấn công”. Vào mùa mưa, những thứ bẩn thỉu của bãi rác đổ xuống khu dân cư, ngấm vào lòng đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm. Các giếng nước trong vùng đều có mùi hôi tanh”.
Anh Phạm Văn Chung, thôn Phú Sơn, cho biết: “Nhiều năm nay, mặc dù biết nguồn nước dùng có “vấn đề” nhưng chúng tôi phải nhắm mắt sử dụng. Buổi sáng nước múc lên để rửa mặt đều có mùi tanh nồng, để lâu sẽ lên váng có màu xanh, đặc biệt vào mùa khô mùi nước bốc lên rất khó chịu”.
Ông Phạm Xuân Đào, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa-cho biết: “Đây là một bãi rác “4 không”: Khoảng cách khu dân cư không bảo đảm, diện tích không đúng quy định (chỉ rộng 1 ha), xây dựng không đúng tiêu chuẩn và quy trình xử lý không đến nơi đến chốn”.
Ngoài ra, quanh thôn này đang có 9 doanh nghiệp chế biến lâm sản hoạt động. Nước luộc gỗ mang hóa chất được thải thoải mái, nhiều năm nay đã ngấm sâu xuống tầng nước ngầm làm nước trong các giếng nước của dân đổi màu. Còn dân của 2 xóm Trung Đạo và Trung Thành thì bị nước thải của Công ty Đá granit Hoàn Cầu “gây hại”.
Ông Phó Chủ tịch xã Phạm Xuân Đào cho biết thêm: “Hoạt động cưa đá của Công ty này không có hệ thống xử lýù nên toàn bộ lượng nước dùng trong việc cưa đá mang đặc bột đá đều đổ xuống sông Bầu Nâu lấp cả 1 cái vực sâu 3m. Nước sông Bầu Nâu lại thẩm lậu vào các giếng nước uống nên người dân ở đây đang rất hoang mang về sức khỏe của mình”.
Còn chị Nguyễn Thị Lệ, ở đội 1, thôn Trung Ái, cho biết: “Nước trong các giếng ở đây có màu đỏ ngầu, để qua đêm đến sáng nước nổi màng như đổ dầu lửa vào và nổi váng, áo trắng học sinh chỉ giặt 3 lần là phải vứt bỏ vì đã… mất màu trắng”.
Qua tìm hiểu thực tế, nhận thấy tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt nơi đây đã ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là người già và trẻ em, gây ra nhiều bệnh tật hiểm nghèo.
Ông Huỳnh Văn Thành-Trưởng Trạm Y tế xã Nhơn Hòa, cho biết: “Trên địa bàn xã Nhơn Hòa bệnh tiêu chảy liên tục xảy ra, bệnh đau mắt đỏ cũng thường xuyên tấn công người dân ở đây. Bệnh viêm phế quản ở trẻ em cũng ngày càng nhiều. Đáng lo hơn là gần đây, tỷ lệ bệnh lao tăng lên rất mạnh. Đây là điều các ngành chức năng cần đặc biệt quan tâm”.