Không phải là kỹ sư nhưng ông Trần Văn Tâm, 48 tuổi hiện đang sống tại Củ Chi – TP.HCM đã tự nghiên cứu và chế tạo thành công chiếc xe điện 3 bánh. Ông khẳng định, bất kỳ ai cũng có thể lái được chiếc xe điện nói trên do chính ông sáng chế.
Chiếc xe điện 3 bánh do ông Tâm tự chế tạo được làm bằng chất liệu thép và tôn mạ kẽm. Khung sườn xe được làm bằng thép tròn, tôn và các chất liệu bằng nhựa khác. Các linh kiện như: đèn, kèn, thắng, phuộc, nhông, sên, dĩa đều của xe gắn máy.
Xe có chiều cao tối đa 1,8m, dài toàn thân 2,5m, khoảng cách giữa 2 bánh xe trước và sau là 2m, rộng 1, 2m, trọng lượng toàn thân xe cộng với trọng tải của xe là 250kg đảm bảo cho sức chứa 3 người. Hai bên thân xe có thiết kế loại phủ che mưa bằng nhựa dẻo trong suốt có tác dụng che mưa hoặc bụi, khi cần sử dụng chỉ cần kéo khoá lên. Trần xe được gắn tấm cách nhiệt có tác dụng chống nóng.
Xe hoàn toàn dùng động cơ điện DC 48v-800W với bình ắc quy khô 12v-50Ah x 4, tốc độ tối đa của xe là 35km/h, mỗi lần nạp điện đi được 40km cho loại bình 50 Ah x 4 và 80km cho loại bình 100 Ah x 4. Xe có thể chạy tới và lui nhờ cần gạt được gắn ngay phía dưới ghế ngồi của người điểu khiển. Do chạy bằng điện nên xe không ồn, không thải khói và rất dễ sử dụng.
Ông Tâm cho biết ý tưởng chế tạo chiếc xe điện này xuất phát từ mong muốn có một loại xe để chở khách giống như xích lô nhưng ít tốn công sức khi điều khiển và thân thiện với môi trường. Ông kể, tình cờ ông trông thấy hình ảnh một ông cụ hơn 60 tuổi, mồ hôi nhễ nhại ướt hết lưng đang còng lưng chở một người khách nước ngoài trên đường. Đằng sau chiếc xích lô, ông già đang còng lưng gắng sức đạp, còn “thượng đế” của mình là một ông tây to con ngồi đằng trước tươi cười hớn hở ngắm cảnh đường phố .
“Trông thấy cảnh đó tôi cảm thấy xót quá vì thế tôi quyết tâm bằng mọi giá phải nghĩ ra một loại xe gì đó tương tự xích lô nhưng ít tốn sức khi điều khiển, mặc dù tôi chỉ là anh lái xe ô tô quèn, không bằng cấp, không được học hành đầy đủ. May mắn cho tôi vì có kinh nghiệm lái xe ô tô trên 20 năm nên ít nhiều cũng hiểu biết về cơ khí” – ông Tâm trầm ngâm kể lại.
Để hoàn thiện được chiếc xe điện 3 bánh như hôm nay, trước đó ông đã tự mày mò sáng chế ra 3 loại xe điện khác nhau. Đến khi hoàn thành xong chiếc xe điện 3 bánh thứ tư (chiếc hiện tại), ông Tâm dự định đem chiếc xe do mình sáng chế tới phòng cảnh sát giao thông để đăng kí lưu thông.
Tuy nhiên, chưa kịp đem xe đi đăng kí ông được một người bạn “mách” đem xe tới Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM để tham dự cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM năm 2007”. Tuy nhiên, ông Tâm cho biết, hiện ông vẫn chưa biết làm thế nào để có thể nộp đơn đăng kí bản quyền với Cục sở hữu trí tuệ.
Theo ông Tâm, chiếc xe điện 3 bánh do mình chế tạo có rất nhiều ưu thế như “siêu tiết kiệm” chi phí nhiên liệu bởi trung bình mỗi lần nạp điện cho quãng đường dài 60km chỉ tốn tối đa từ 2-3kw điện (tương đương khoảng 3.000 đồng tiền điện).
Lợi ích của chiếc xe này là dùng để thay thế xích lô hoặc tắc xi chuyên chở hành khách trong thành phố, các khu công nghiệp nhà máy và các điểm du lịch sinh thái bởi tính an toàn và lợi ích kinh tế từ loại xe này mang lại.
Hiện tại, điều ông Tâm lo lắng là không biết liệu loại xe điện 3 bánh do ông sáng chế có được phép lưu thông trên đường phố? Ngoài ra, ông Tâm cũng mong muốn sớm được bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để có thể sản xuất đại trà loại xe điện 3 bánh này phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện tại chiếc xe điện trên có giá khoảng 30 – 40 triệu đồng. “Tuy nhiên, nếu tiến hành sản xuất đại trà giá thành sẽ giảm đi đáng kể” – ông Tâm lạc quan cho biết.
Giải pháp xe điện 3 bánh: Khả thi…
Chủ tịch hội đồng GS TS Bùi Song Cầu nhận xét: “Giải pháp xe điện 3 bánh từ các món đồ lẻ bán sẵn trên thị trường về điện và cơ khí để bố trí lắp ráp chế biến thành một xe chạy bằng năng lượng acquy, có thể chạy lâu, có cả bảng báo thông số vận hành. Điểm sáng tạo là bố trí xếp đặt chung một cách đồng bộ để xe có thể vận hành bình thường.”
Ý nghĩa về mặt công nghệ: Trong khi nước ta chưa có công nghiệp chế tạo xe chaỵ điện thì với công nghệ này, vẫn có thể cho ra thị trường sản phẩm từ việc khai thác chi tiết phụ tùng của ngành kế cận.
Hiệu quả trên các mặt kinh tế – xã hội: Mặc dù chưa phân tích được cụ thể về mặt kinh tế nhưng giá thành, theo tác giả đã chế tạo ra mẫu cho biết là khoảng 30 triệu đồng (sản xuất thử, đơn chiếc). Nếu sản xuất hàng loạt chắc chắn giá thành sẽ rẻ hơn. Về mặt xã hội, loại xe này rất thân thiện với môi trường.
Triển vọng: Đã triển khai chế thử thành công: Xe vận hành bình thường, kiểu dáng nhỏ nhắn, lịch sự. Nếu triển khai chế tạo hàng loạt có thể thay cho xích lô, xe gắn máy để chở người hoặc hàng hoá khối lượng nhỏ trong thành phố hoặc ngoại ô.