Việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã và các bộ phận cơ thể của động vật hoang dã không phải là chuyện mới mẻ tại các nước vùng Đông Nam Á. Lời kêu gọi dẹp tan vấn nạn này đã dấy lên cuộc tranh đấu dài bất tận của các nhà hoạt động môi trường.
Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF) vừa lên tiếng báo động nguy cơ buôn bán động vật hoang dã tràn lan ở Đông Nam Á khiến nhiều loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Mới đây, qua việc bắt giữ một số người và tịch thu một số lượng lớn xác hổ và báo cùng hàng trăm con tê tê còn sống tại khu vực biên giới giáp ranh giữa Thái Lan và Lào, WWF cho rằng đây chỉ là một vụ nhỏ trong số vô vàn các vụ mà giới chức trách các quốc gia trong khu vực để lọt lưới.
Trước đây, các nhà hoạt động đã nhiều lần chỉ trích chính phủ những nước vùng Đông Nam Á vì đã không tích cực trong việc chặn đứng tệ nạn trên. Tuy nhiên, cách nay chỉ hơn 2 năm, một thỏa thuận đã được thông qua và một cơ chế mang tên ASEAN WEN được thiết lập để giúp các nước trao đổi thông tin về tệ nạn bán buôn động vật hoang dã cũng như bộ phận cơ thể động vật hoang dã.
Theo ông Chris Shepherd, viên chức cao cấp thuộc tổ chức chuyên theo dõi các hoạt động bán buôn động vật hoang dã mang tên Traffic, ASEAN WEN là cơ chế bảo vệ động vật hoang dã lớn nhất thế giới. Cơ chế này có liên hệ với mọi nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). ASEAN WEN liên kết và hợp tác với các cơ quan bảo vệ luật pháp của nhiều quốc gia khác nhau. Một số nước này trước giờ không có những cơ quan bảo vệ luật pháp, chẳng hạn như cảnh sát, chuyên trách bài trừ tệ nạn giết hại hoặc buôn bán động vật hoang dã.
Việc tham gia mạng lưới này để ngỏ cho các quan chức từ các cơ quan quản lý Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động, thực vật có nguy cơ bị diệt chủng), hải quan, cảnh sát, cơ quan công tố, các tổ chức chuyên ngành giám sát thực thi các quy định có liên quan đến bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã cũng như các cơ quan chính phủ và phi chính phủ khác liên quan.
Thông qua mạng lưới này, các quan chức có thể phối hợp có hiệu quả, xây dựng cơ chế trao đổi chia sẻ thông tin và kinh nghiệm chuyên môn giữa các cơ quan có liên quan trong nội bộ các nước cũng như cấp độ khu vực về đấu tranh chống buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã xuyên quốc gia.
Việc hình thành mạng lưới này sẽ tăng cường năng lực cho các nước ASEAN đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tội phạm qua biên giới có liên quan đến vận chuyển và buôn bán các loài động vật hoang dã cũng như giám sát có hiệu quả thực thi Công ước CITES trên phạm vi khu vực.
Các nước ASEAN từ lâu đã là mục tiêu của bọn buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã và được xem là điểm nóng mang lại lợi nhuận nhiều tỉ USD thông qua các hoạt động bất hợp pháp này, kể cả buôn bán những động, thực vật sống cũng như đã qua chế biến của những loài được bảo vệ chặt chẽ nhất trong khuôn khổ Công ước CITES, từ những con hổ và voi đến các loại hoa phong lan quý hiếm và các loại thảo dược địa phương đến các loài động, thực vật biển, một số loài rùa đặc hữu và các loại trứng chim hiếm. Thái Lan là nước được giao nhiệm vụ điều phối trong lĩnh vực này của ASEAN.
Ông Chris Shepherd cho biết, mới đây giới chức các nước đã chặn bắt được một vụ buôn lậu quan trọng ở vùng biên giới giữa Thái Lan với Lào. Trong vụ này giới hữu trách bắt giữ 7 tên tội phạm đồng thời tịch thu được xác 11 con hổ và báo cùng 250 con tê tê còn sống. Mặc dù đây là vụ bắt giữ lớn nhất trong khu vực, thế nhưng có lẽ vụ này chỉ là phần nổi của tảng băng.
Chỉ trong tháng 4 vừa qua, chính quyền Thái Lan đã bố ráp 5 vụ bán buôn bất hợp pháp các loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng trong vùng Đông Nam Á tịch thu được những chuyến hàng lớn hơn, từ 20 đến 24 tấn tê tê. Qua đó, cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc chặn đứng nạn buôn bán động vật hoãng dã. Ông Chris Shepherd cho biết khi ASEAN WEN ngày càng phát triển thì hoạt động của những tổ chức buôn lậu động vật hoang dã hoặc các bộ phận động vật hoang dã càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Tuy nhiên, quan điểm của các nhà hoạt động môi trường ở những quốc gia nằm tại miền Nam vùng Đông Nam Á khác với quan điểm vừa nêu. Bà Sue Liberman, viên chức thuộc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên, cho hay các cuộc khảo cứu mới đây về loài hổ Sumatra đã cho biết những thông tin đáng báo động.
Theo bà, lực lượng kiểm tra thị trường Indonesia đã tìm thấy răng, vuốt, da và xương của loài hổ Sumatra tại nhiều nơi bán lẻ khác nhau ở Sumatra. Dựa trên số tang vật tịch thu được, người ta ước lượng phải có tới 23 con hổ đã bị giết. Đấy mới chỉ là kết quả của một cuộc khảo sát.
Bà Liberman cũng cho biết, mặc dù Indonesia hiện đang là Chủ tịch Hệ thống bảo vệ động vật hoang dã của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thế nhưng nước này lại không đi đầu trong việc bảo vệ động vật hoang dã. WWF đang thảo luận với Chính phủ Indonesia để thuyết phục họ thực sự ra tay trấn áp tệ nạn bán buôn động vật hoang dã.
Theo WWF, việc đầu tiên và quan trọng nhất là đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã và các bộ phận cơ thể của động vật hoang dã, sau đó là trấn áp tệ nạn săn bắn trộm động vật hoang dã. Nếu thị trường mua bán động vật hoang dã và những bộ phận của động vật hoang dã bị đóng cửa thì người ta sẽ không còn săn bắn trộm động vật hoang dã nữa. Nói điều này có vẻ đơn giản, thế nhưng thực hiện nó lại không hề đơn giản chút nào