Trong cái nắng Trường Sơn đổ lửa, các khu tái định cư Pachepalanh và Cútchrun (xã Màcooih, huyện núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) nhìn từ đường Hồ Chí Minh chẳng khác nào những khu phố "quá xinh" giữa trập trùng núi rừng xanh ngắt.
Gần 300 hộ đồng bào người dân tộc Cơ Tu từ 3 năm trước nhường lại bản làng cho công trình Nhà máy thuỷ điện A Vương vào loại lớn nhất miền Trung đã được di dời đến đây. Nhưng trớ trêu thay, từ bấy đến nay, cuộc sống của họ ở khu làng mới chẳng những không được đổi đời mà ngược lại còn rơi vào cảnh ngộ bấp bênh hơn.
Nhà xây làm cảnh
Vẻ xinh xắn của các “khu phố tái định cư” Pachepalanh và Cútchrun hoá ra chỉ là sự hào nhoáng bên ngoài. Ở trong làng, mới thấy những ngôi nhà sàn rập một khuôn nằm chen chúc nhau trên những bãi đất san ủi bằng phẳng trông đến tức mắt giữa trập trùng bao la rừng núi tự nhiên. Những người đàn bà cùng lũ trẻ Cơ Tu mắt đen lay láy ngồi ngóng dưới sàn nhà, cứ hồi hộp nhìn chúng tôi đi lên cầu thang vào nhà chính. Nhà trống rỗng, không một bóng người.
Ông A Rất Xurốp đang trần lưng chất củi trong nhà kho nghe tiếng khách lạ, chạy ra. “Sao không cho lũ trẻ chơi trên nhà sàn mà lại xuống nền đất dưới sàn nhà vậy?” – khách hỏi. Những người đàn bà ồ lên: “Không dám cho lũ trẻ lên đó đâu. Cầu thang hỏng hết rồi, lũ trẻ hở ra là leo trèo té gãy hết chân tay”. Gần như toàn bộ cầu thang làm bằng gỗ của các ngôi nhà tái định cư đều đã hỏng, gãy mục.
Ông A Rất Xurốp nói: “Ơ trong nhà chính chi nổi. Nó giống cái hộp, trần nhà lại quá thấp, lợp tôn, bữa ni trời nắng như nung, ở đó có nước lột da. Còn trời mưa dông thì cứ như ở trong thùng thiếc, chịu không thấu. Cầu thang thì mới chưa đầy 1 năm về ở đã hỏng, bà con kêu miết, nhưng Ban quản lý (BQL) dự án vẫn chưa chịu sửa”.
Ông A Rất Xurốp thêm: “Rứa mà cách đây 3 năm BQL bàn giao nhà, giá thành đến 75 triệu đồng. Đưa cho tui chừng nớ tiền, tui làm cái nhà sàn to gấp đôi, mà ở được chớ chẳng phải chỉ để ngó chơi như ri”.
Nói như ông Nguyễn Bằng – Bí thư Huyện uỷ Đông Giang, thì nhà tái định cư “chỉ để làm phép, giải quyết khâu oai, còn thì chẳng có giá trị sử dụng bao nhiêu đối với đồng bào. Họ chỉ ở nhà phụ là nhà bếp, nhà kho. Nhưng mới 3 năm mà nhà cửa cũng đã xuống cấp, cũ mốc. Chưa kể việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư bất hợp lý, không “tương thích” với tập quán sinh hoạt, đời sống của đồng bào”. Đất rừng Trường Sơn đâu có thiếu, vậy mà các khu tái định cư lại “nhốt” bà con vào những khu đồi san phẳng. Khu Pachepalanh tứ phía sạt lở, nước từ trên núi đổ xuống làng khiến nền đất tạm do san ủi mà thành giờ bị lở lói khắp nơi.
Con mắt đồng bào vốn quen nhìn đồi núi trập trùng cây rừng, giờ ngó đâu cũng vướng. Nước sạch mỗi làng một bể, đồng bào phải dùng chung chứ không cho nó chảy về từng khu, từng nhà, mà 3 năm nay bể nước sạch cũng chẳng có nước để mà chảy, bà con lại dùng nước suối như cũ. Con gà, con lợn bước mấy bước đã lạc sang nhà khác, bởi chẳng có lấy mảnh vườn làm thuốc. Còn nhà ở thì liền kề sát nhau, nhà này nói chi nhà kia nghe hết. “Những cái đó là đại kỵ đối với bà con, nên họ không thích ở làng mới” – ông Bằng kết luận.
Bà A Lăng Thị Tin cùng lũ con sống nhờ tiền đền bù hỗ trợ. |
“Mèo lại hoàn mèo”
Nhưng khó khăn bức xúc hơn cả vẫn là chuyện miếng cơm manh áo mỗi ngày. Sau 3 năm, đời sống gần 300 hộ dân tái định cư vẫn còn phải trông vào suất hỗ trợ di dời từ nguồn dự án và trợ cấp xã hội của huyện, tỉnh. Bà A Lăng Thị Tin ngồi bó gối ở nhà trông mấy đứa con nhỏ lắt nhắt, nói như mếu: “Cả nhà 7 miệng ăn mà chẳng có lấy miếng đất cắm dùi, nói chi đến cây lúa. Cứ ngày ngày phải vào rừng kiếm củi, kiếm cá mà ăn qua ngày thôi. Tiền hỗ trợ mà cạn thì có nước đói”.
Ông Lê Văn Luyến – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang – thở dài: “Đất ruộng lúa khai hoang 20ha, tiếng là vậy, nhưng thực tế khai hoang không đủ chia cho dân, đất đai xấu quá, lại không có thuỷ lợi nên không sản xuất được bao nhiêu. Việc giao đất, giao rừng cho bà con sản xuất lâm nghiệp thì chưa thực hiện”. “Thế bà con lấy gì mà sống?”. Ông Luyến: “Thì vẫn còn tiền đền bù, hỗ trợ di dời, hỗ trợ đời sống, sản xuất. Đó là số tiền lớn, tổng cộng đến hơn 35 tỉ đồng dành cho gần 300 hộ. Sau thời gian đầu choáng trước đống tiền lớn, bà con đổ xô kéo nhau đi mua sắm xe máy, những đồ xa xỉ, gần đây bà con bắt đầu “stop”, dành tiền để sống bởi chẳng thấy chuyển biến tích cực gì ở làng mới”.
Những người đàn bà ở nhà trông lũ trẻ đều trả lời một câu giống nhau, giống rập khuôn chẳng khác nào những ngôi nhà họ đang sở hữu để ngó, rằng “chồng đã vào rừng làm củi rồi”. Làm củi, là nói khiêm tốn thế thôi, chứ thật ra là vào rừng đốn gỗ, làm thuê cho các đầu nậu gỗ từ xuôi lên phá rừng. Cả vùng núi này đang nóng lên nạn phá rừng mà cả tỉnh đang mở cuộc tổng tấn công, nhưng vẫn chưa ngăn chặn xuể. Nhớ lại câu trả lời từ phía hai người – một mới học lớp 10 và một là chủ của gia đình có 5 miệng ăn, khi họ bị bắt quả tang đang phá rừng A Vương, rằng “bọn em đói quá nên phải mò vào rừng thôi”.
Bà A Lăng Trôi, bà A lăng Bhooch dắt khách ra ngay trước nhà, chỉ vào những gốc cây, than phiền: “Đó, cây chuối trồng 2 năm mới lên 5 tấc, cây sắn thì lên 2 tấc. Bà con cũng có được Nhà nước hỗ trợ cây trồng, nhưng ngặt nỗi trồng nó chẳng chịu lên cho thì lấy chi ăn”. Ông Nguyễn Bằng – Bí thư Huyện uỷ Đông Giang – nói chắc như bắp: “Bà con còn phải được hỗ trợ nhiều năm nữa mới tự lo được cuộc sống”.
Hết thuốc chữa?
Bà A Lăng Phước oằn lưng lấy củi kiếm sống, thường ở nhà phụ hơn là nhà chính cầu thang mục nát. |
Oằn cong chiếc lưng gầy của bà A Lăng Phước là bó củi cao chất ngất quá đầu và bà bước thẳng về phía nhà phụ thay vì vào nhà chính. Ngay phía bên trên là ngôi nhà Gươl – nhà sinh hoạt truyền thống của làng – cao to lừng lững. Chẳng hiểu sao, một dự án tái định cư cho đồng bào miền núi, vốn đủ hạng mục từ cơ sở hạ tầng đến chăm lo đời sống tinh thần như vậy, mà lại chẳng hề tính toán đến mối quan hệ “là một” giữa định cư và định canh.
Cũng bàng hoàng khi nghe được ông Bằng – Bí thư Huyện uỷ Đông Giang – cho biết, đã có gần 10 hộ bỏ lại những ngôi nhà làm cảnh với những mảnh đất trồng cây ăn quả 3 năm vẫn còn bò dưới đất, để trở về rừng sống cảnh thiên nhiên. Và hàng chục hộ khác đang dợm bước lên đường. Trong khi đó, dự án “cứu nguy” do UBND huyện lập ra theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, mang tên “đầu tư mở rộng sản xuất, ổn định đời sống nhân dân các khu tái định cư thuỷ điện A Vương” giai đoạn 2007-2015 thì vẫn còn chờ xem xét mà chưa hề khởi động.
Ông Lê Văn Luyến – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Giang – cho biết: “Dự án nhằm bù đắp những khoảng trống chết người trước đây, là mở rộng sản xuất nông – lâm nghiệp bao gồm khai hoang thêm đất lúa, giao đất giao rừng và bố trí lại dân cư, nhà, vườn, với tổng vốn đầu tư 44,9 tỉ đồng. Theo tính toán, nếu thực hiện dự án từ năm 2007 thì cũng phải đến năm 2013 người dân các khu tái định cư mới có thể khắc phục được hậu quả, tự lo được miếng cơm, ổn định đời sống. Thế nhưng, hiện dự án vẫn còn nằm… trên giấy”.
Ông Nguyễn Bằng – Bí thư Huyện uỷ Đông Giang – chua xót: “Lẽ ra việc bà con di dời đến làng mới để nhường đất cho thuỷ điện phải được đổi đời, nhưng thực tế là “mèo lại hoàn mèo”. Tất cả những sai lầm về quy hoạch, thực hiện dự án tái định cư, những lãng phí… đều do người dân gánh chịu. Trong khi đó, Ban QL DA thuỷ điện A Vương thì đã chuyển trách nhiệm sang cho Công ty cổ phần thuỷ điện A Vương, vậy thì ai chịu trách nhiệm bỏ tiền ra sửa sai. Tôi đã nhiều lần kiến nghị với HĐND, UBND, cả với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, vấn đề bây giờ là phải sửa sai để cải thiện đời sống bà con ở đây, nhưng mãi chưa đi đến đâu. Rồi còn có cái mà rút kinh nghiệm, dù đau xót cho công tác tái định cư ở hàng loạt thuỷ điện lớn nhỏ đang “phủ sóng” miền tây của tỉnh nữa chứ. Chẳng lẽ phải gọi các khu tái định cư thuỷ điện A Vương là khu tái định cư hết thuốc chữa?”.