Muôn đời nay, người nông dân gắn liền với “con trâu, cái cày, thửa ruộng”. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, tại không ít địa phương trên cả nước, hiện tượng người dân chán ruộng, “ly nông” và “ly hương” ngày càng nhiều. Hiện tượng trên trở thành vấn đề lớn của xã hội, đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ ngay từ trong chính sách nông nghiệp.
Kỳ I: “Chị Hai năm tấn” cũng chán… ruộng!
Hiện tượng người dân đất lúa Thái Bình bỏ hoang hoặc trả lại ruộng cho hợp tác xã bắt đầu diễn ra từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Lý do được đưa ra: Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, đầu ra khó khăn khiến lợi nhuận từ trồng lúa giảm mạnh. Đáng lo, đó không phải chỉ là câu chuyện riêng của quê hương “chị Hai năm tấn”…
Làm quần quật, mỗi ngày được 1 bơ gạo!
Xã Tân Hòa (huyện Vũ Thư ,Thái Bình) có hơn 2.200 hộ dân, với gần 8.000 nhân khẩu, tổng diện tích đất canh tác hơn 400 ha. Ông Bùi Công Trứ – Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết, những năm gần đây, số hộ xin trả lại ruộng cho hợp tác xã (HTX) ngày một tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2007, nông dân trong xã đã trả lại hơn 4 ha đất canh tác.
Thấy sự lạ, UBND xã đã tìm hiểu căn nguyên, đồng thời tổ chức họp dân để động viên bà con tiếp tục cấy lúa, ổn định sản xuất. Thế nhưng, tình hình chẳng khả quan hơn. Đến vụ xuân năm nay, lại có gần chục hộ dân xin trả lại đất với tổng diện tích hơn 3 ha, trong đó có gần 1 ha là đất ruộng cơ bản.
Theo giải thích của ông Trứ, nguyên nhân bà con nông dân bỏ ruộng là do thu nhập từ nông nghiệp quá thấp, nhất là hiện nay giá vật tư nông nghiệp (như đạm, lân, kali, thuốc trừ sâu…) tăng vùn vụt, quá sức chịu đựng của người dân.
Đó không còn là chuyện hy hữu ở Thái Bình nữa. Theo một lãnh đạo Sở NN&PTNT Thái Bình, hầu hết các địa phương khác trong tỉnh đều có hiện tượng bà con nông dân bỏ ruộng. Chẳng hạn, tại xã Song Lãng (huyện Vũ Thư), nông dân trả lại HTX hơn 3 ha, con số này tại xã Đông Phương (huyện Đông Hưng) là 5 ha, xã Bình Nguyên (huyện Kiến Xương) là 4 ha…
Theo ông Đào Trọng Thu, một nông dân ở xã Vũ An (huyện Kiến Xương), chi phí đầu vào (chưa tính công cày, bừa, gặt hái, tuốt lúa…) cho mỗi sào lúa có thể thống kê như sau:
Giống: 60.000 đồng; phân bón (đạm, lân, kali, NPK…): 200.000 đồng; thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ: 40.000 đồng; vật tư phục vụ gieo mạ: 50.000 đồng; các khoản phải đóng góp: 150.000 đồng.
Như vậy, tổng chi phí đầu vào khoảng 500.000 đồng/sào. Nếu được mùa, mỗi sào (500 m2) cho thu hoạch 3 tạ thóc, với giá 520.000 đồng/tạ như hiện nay thì được 1.560.000 đồng; trừ chi phí đầu vào còn lại 1.060.000 đồng.
Số tiền này chia cho 180 ngày (đất hai vụ lúa, mỗi vụ 6 tháng) thì mỗi ngày công của người dân chưa được… 6.000 đồng.
Đối với các hộ dân không có tư liệu sản xuất (trâu bò, máy tuốt lúa…) thì con số này chỉ khoảng 3.000 đồng, tương đương 6 lạng thóc (hơn 1 bơ gạo)!
Trong khi đó, một ngày công phụ hồ xây dựng cũng được 20.000 – 25.000 đồng (kèm bữa ăn trưa). Chính vì thế, người dân khắp nơi bỏ ruộng đi làm thuê. Số ruộng đó hoặc trả lại cho HTX hoặc chuyển nhượng cho người khác.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, hiện trung bình mỗi xã trong tỉnh có từ 500 đến 700 lao động nông nghiệp thường xuyên đi làm ăn xa. Do đó, lực lượng lao động làm nông nghiệp trong tỉnh chủ yếu là người già và trẻ em…
“Thi nhau” trả đất
Diện tích đất trồng lúa hiện nay của Thái Bình khoảng 93.000 ha. Chuyện người nông dân trong tỉnh đang bỏ ruộng là có thật, nhưng số diện tích ruộng người dân các xã trả lại chính xác là bao nhiêu thì tỉnh vẫn đang trong quá trình thống kê và sẽ có báo cáo cụ thể trong vài tháng tới.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, được biết, hiện tượng người dân đất lúa Thái Bình bỏ ruộng và trả lại ruộng bắt đầu từ năm 2003.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Thái Bình, vụ mùa năm 2004 tỉnh này có 278,4 sào (10 ha) nông dân bỏ không cấy ở 3 xã thuộc 3 huyện Đông Hưng, Vũ Thư và Kiến Xương.
Trước đó, vụ mùa 2003, tại huyện Kiến Xương đã có 8/39 xã nông dân bỏ ruộng không cấy với diện tích 3,88 ha; đến vụ mùa năm 2004, con số này tăng lên 13/39 xã, diện tích 26,5 ha.
Các con số này tại huyện Đông Hưng vụ mùa năm 2003 là 9/46 xã, diện tích 9,44 ha; đến vụ mùa năm 2004 là 15/46 xã, diện tích 25,82 ha.
Đáng nói hơn là việc người dân trả lại ruộng cho HTX. Cũng theo thống kê của Sở NN&PTNT Thái Bình, năm 2004 đã có hơn 130 hộ dân trả lại gần 19 ha đất cho xã, thuộc 3 huyện Vũ Thư, Đông Hưng và Kiến Xương. Con số này thực tế lại lên tới gần 50 ha!
Theo ông Nguyễn Hữu Rong – Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình, diện tích ruộng mà người dân bỏ hoang hoặc trả lại cho HTX chủ yếu là đất “ruộng khoán” (đất 5%).
Quỹ đất này bao gồm những vùng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất như úng, trũng hoặc xa nguồn nước, khô cằn… và thường cho dân đấu thầu, với mức nộp sản bình quân 70 kg/sào/năm.
Tuy nhiên, theo ông Rong, từ vụ Xuân năm nay, người dân đã mặn mà hơn việc trồng lúa. Lý do, năng suất gieo trồng đã tăng cao hơn, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân bớt thiệt thòi khi trồng lúa.
Hàng năm, tỉnh Thái Bình đã dành hàng chục tỷ đồng cho chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đầu tư cho việc phát triển cây vụ đông. Ngoài ra, tỉnh còn trợ giá các loại giống cây mới có chất lượng cao cho nông dân, cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu theo phương thức trả chậm…
Dầu vậy, giải quyết dứt điểm hiện tượng nông dân chán ruộng là điều rất khó. Theo ông Nguyễn Hữu Rong, giải pháp trước mắt với những diện tích ruộng bà con nông dân trả lại các HTX, tỉnh chỉ đạo giao cho các đoàn thể và các hộ nông dân khác tiếp tục gieo cấy, kiên quyết không để tình trạng ruộng đất bỏ hoang…
Về lâu dài, để bà con nông dân gắn bó với đồng ruộng cần phải có giải pháp vĩ mô, trong đó Nhà nước cần có những biện pháp mạnh để ngăn chặn sự tăng giá của các loại vật tư nông nghiệp, bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ người dân xây dựng các công trình thủy lợi, kênh mương, giao thông; xây dựng các cơ sở chế biến nông sản và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân…