Cải bắp có nhiều loại: cải bắp trắng, cải bắp đỏ, su hào, cải hoa… Đây là loại rau rẻ tiền, dễ mua, dễ kiếm, thường được chế biến thành các món luộc, xào, nấu canh, trộn gỏi, muối dưa… để dùng trong bữa ăn hằng ngày.
Theo TS Võ Văn Chi, nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM, cải bắp còn là vị thuốc chữa được nhiều bệnh, vì thế nó được gọi là “thầy thuốc” của người nghèo.
Người ta đã xác định trong cải bắp tươi có: nước, protid, glucid, cellulose. Cải bắp cũng giàu về muối khoáng, nhất là calcium, phosphor. Lượng vitamin C trong cải bắp chỉ thua kém cà chua, nhưng nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt và hơn gấp 3,6 lần so với khoai tây, hành tây.
Ngày nay, người ta biết nhiều hơn về tác dụng chữa bệnh của loại rau này như: dùng làm thuốc trị giun, làm liền sẹo các vết thương, mụn nhọt, các vết thương ác tính, đồng thời là loại thuốc trị sâu bọ tốt. Nó còn được dùng làm thuốc giảm đau trong bệnh thấp khớp, thống phong, đau thần kinh hông bằng cách lấy các lá cải bắp rồi dùng bàn ủi ủi cho mềm, sau đó đắp lên các phần bị đau.
Hoặc cải bắp giúp làm sạch đường hô hấp (trị viêm họng khàn tiếng), hoặc uống để chữa ho, viêm sưng phổi. Nước sắc bắp cải dùng để lọc máu. Đặc biệt cải bắp còn là vị thuốc chống kích thích thần kinh và chứng mất ngủ rất tốt. Những người hay lo âu, các thí sinh đi thi, người bị suy nhược thần kinh, mệt mỏi liên miên nên dùng cải bắp thường xuyên.
Trong cải bắp có một chất chống loét gọi là vitamin U, do đó có thể dùng để làm thuốc chữa loét dạ dày – tá tràng, viêm dạ dày – ruột, viêm đại tràng. Do vitamin U bị hủy ở nhiệt độ cao, vì thế nên dùng nước ép cải bắp tươi nếu muốn phát huy tác dụng này của cải bắp.
Một ký lá cải bắp tươi sẽ cho từ 500 ml tới 700 ml nước ép, nếu giã tươi lấy nước cốt thì được 350 – 500 ml. Dùng nước ép hoặc nước cốt cải bắp uống trong ngày với liều 1.000 ml, chia làm 4-5 lần uống (có thể pha thêm đường hay muối, dùng nóng hay lạnh). Điều trị liên tục trong vòng 2 tháng, sẽ có kết quả rõ rệt đối với bệnh nhân có ổ loét chưa sâu lắm.