Lợi dụng nhập nhằng trong giai đoạn tiếp nhận suối nước nóng Bang (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Công ty Đông Dương đã tiến hành chặt trụi nhiều khoảnh rừng, ngang nhiên lập xưởng cưa trái phép, biến suối nước khoáng nóng Bang 105°C thành nơi… ngâm gỗ. Theo chân của Công ty Đông Dương, lâm tặc cũng ngang nhiên vào lập lán trại để khai thác gỗ ở rừng suối Bang.
Xưởng cưa giữa rừng
Công ty Đông Dương (trụ sở chính tại 47A Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Hà Nội, có chi nhánh đặt tại Quảng Bình) được UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận đầu tư khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng tại khu vực suối nước nóng Bang.
Trong quá trình tiếp nhận, thay vì quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, Công ty Đông Dương lại chú trọng “biến” nhiều cánh rừng giàu có trữ lượng gỗ lớn thành… rừng trọc!
Suối Bang nằm ở thượng nguồn huyện Lệ Thủy, những cánh rừng nơi đây quanh năm xanh tốt, được người Vân Kiều ở xã Kim Thủy chăm chút qua nhiều thế hệ. Vậy mà khi Công ty Đông Dương “tiếp quản” thì rừng bị tàn sát tan hoang.
Ông Hồ Mó, người xã Kim Thủy nói: “Từ khi họ tiếp nhận suối Bang thì rừng cũng bị tận diệt luôn”.
Có mặt tại thượng nguồn suối Bang, chứng kiến cảnh những vạt rừng bị chặt phá mới thấy xót. Vô số thân gỗ bị đốn hạ bằng rìu, rựa và cả cưa máy, gỗ nằm ngổn ngang, chất thành nhiều đống, những gốc cây to, đường kính từ 20cm-40cm chổng chơ.
Công ty Đông Dương còn ngang nhiên đặt xưởng cưa tại suối nước nóng Bang, ngày đêm cưa gỗ thành phẩm nhưng không bị một lực lượng chức năng nào kiểm tra, giám sát.
Người dân địa phương nói rằng, xưởng cưa đặt giữa rừng trong mấy tháng qua đã giúp Công ty Đông Dương chế biến một lượng lớn gỗ thành phẩm, đưa về xuôi tiêu thụ.
Hoạt động của xưởng cưa được duy trì với một nhóm gần 10 người mặt mày hung hăng. Khi có mặt tại khu vực này, một đồng nghiệp đưa máy ảnh ra chụp liền bị một số thanh niên nạt lớn: “Cấm chụp, nếu chụp sẽ không còn đường về”.
Chưa hết, sau khi khai thác gỗ, đơn vị này còn biến mỏ nước khoáng ở nhiệt độ 105°C thành nơi ngâm gỗ nhằm tránh hỏng hóc. Xin nói rằng, suối nước khoáng Bang là nguồn nước khoáng sôi tự nhiên có nhiệt độ cao nhất Việt Nam, trên thế giới cũng hiếm có nguồn nước khoáng có nhiệt độ tương tự, nhưng thay vì ứng xử với tài nguyên quốc gia một cách nâng niu thì Công ty Đông Dương lại ngang nhiên chiếm dụng mỏ nước khoáng như của riêng (Sở TN-MT Quảng Bình chưa cấp phép cho Công ty Đông Dương khai thác mỏ nước khoáng).
Việc làm trên của Công ty Đông Dương đã biến cả vùng hạ lưu suối nước nóng bị ô nhiễm, khi nhựa cây ở đầu nguồn mỏ nước khoáng chảy xuống. Du khách đến với suối Bang trong thời gian qua đã ngán ngẩm quay về khi thấy những điểm tắm khoáng bị bẩn đến không ngờ.
Vào hùa với Công ty Đông Dương trong việc phá rừng là những lâm tặc khét tiếng trong vùng đã vào thượng nguồn của suối Bang để chặt phá gỗ quý hiếm. Những bãi gỗ của lâm tặc chất đống trong rừng và bên hiên các dãy nhà công vụ bị bỏ hoang, thậm chí lâm tặc cũng lập lán trại ngay khu vực suối Bang để tiện bề khai thác.
Đại diện Công ty Đông Dương đã nói gì?
Các đơn vị kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cũng như Sở NN-PTNT tỉnh thực sự bất ngờ khi xưởng cưa của Công ty Đông Dương “tự mọc” trong rừng mà không có giấy phép. Một cán bộ kiểm lâm cho rằng, việc cấp giấy phép cho một xưởng cưa ở rừng là việc làm không thể, vì sẽ bị lợi dụng để phá rừng.
Giải thích về việc này, ông Ngô Đình Quân, Giám đốc chi nhánh Công ty Đông Dương tại Quảng Bình cho rằng đơn vị đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư nên có quyền mở xưởng để cưa thử gỗ, làm thử những căn nhà mẫu cho khu nghỉ dưỡng.
Ông Quân cũng phân trần rằng vào những ngày qua, xưởng cưa mới chạy thử chứ không phải cưa gỗ. Trong khi đó, người dân Vân Kiều sống quanh vùng đều xác nhận xưởng cưa đã hoạt động hàng tháng trời, gỗ được đưa về tập kết thành bãi, sau khi cưa xong lại được vận chuyển về xuôi.
Khi nói đến vấn đề về giấy phép, ông Quân không trưng ra được văn bản cơ quan chức năng cấp phép lập xưởng cưa giữa rừng, mà chỉ đưa ra văn bản đề nghị được mua lại số gỗ của lực lượng kiểm lâm thu được từ những người khai thác gỗ lậu.
Trả lời đề nghị của Công ty Đông Dương, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Văn bản 613 đồng ý với đề xuất xin mua gỗ để phục vụ dự án suối Bang, trong văn bản không có việc cho phép lập xưởng cưa loại lớn giữa rừng thượng nguồn suối Bang.
Tuy nhiên, không hiểu sao, chỉ với văn bản này, ông Quân đã ngang nhiên lắp đặt một xưởng cưa công suất hàng chục mét khối gỗ mỗi ngày ngay giữa rừng.
Khu vực suối Bang đang bị tan hoang. Người ta có quyền đặt câu hỏi, phải chăng lợi dụng chính sách mời gọi đầu tư của Quảng Bình nên Công ty Đông Dương làm bừa để trục lợi?!