ThienNhien.Net – Bãi bồi ven biển thuộc vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM) được thiên nhiên ưu đãi. Nơi đây không những rừng ngập mặn phát triển mà nguồn lợi thuỷ sản cũng rất lớn. Thiên nhiên ưu đãi là vậy, nhưng những người dân ven biển không giàu. Cuộc sống của họ bấp bênh, ngụp lặn theo con nước lớn ròng như chính công việc hằng ngày của họ.
Kỳ 1: Ngụp lặn những mảnh đời ven biển
Ăn mót của biển
Bãi biển Vĩnh Châu (huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) 11 giờ trưa trời đầy nắng và gió. Em Sơn Chuôi, 8 tuổi lững thững xách lon cua biển lội từ bãi bồi về bờ đê đem bán cho lái. Hôm nay em bắt 8 con, bán được 10.000 đồng. Em Thạch Thị Sà Huých, 12 tuổi bắt nhiều hơn, bán được 20.500 đồng. Em Sơn Ngọc Tú, 11 tuổi học lớp 3 tại Khóm 6, Thị trấn Vĩnh Châu, Sóc Trăng về sau cùng trong tổng số trên 30 chục con em bắt cua khá hơn, bán được trên 50.000 đồng.
Chúng tôi hỏi đùa “lấy tiền vô thị trấn chơi trò chơi điện tử phải không?”. Em xua tay: “con đưa hết cho mẹ hà”. Quách Thị Hua, người thu mua cua giống tại bãi biển này cho biết mỗi ngày cô xuất ra từ 3 -4 triệu đồng để mua cua của những đứa trẻ này, “bây giờ cuối vụ cua giống rồi, mua rất ít. Cao điểm có đến hàng ngàn người ra bãi bắt cua lận”.
Cao điểm trên bờ biển dài 20 km này lượng cua giống các chủ vựa mua vào lên đến trên 500 triệu đồng. Mỗi con cua giống nhỏ xíu như hạt me, hạt dưa (người dân gọi là cua me, cua dưa) được những người dân ven biển dùng mọi phương tiện để bắt. Cua me 1.500 đồng/con, cua dưa 1.200 đồng/ con. Lội nửa ngày trời trên 10 km, những người bắt giỏi cũng kiếm được vài chục ngàn. Nguồn lợi này đã làm cho cư dân ven biển ùa xuống bãi bồi để nhặt nhạnh những thứ mà biển ban tặng.
Khỏi phải nói, nhìn họ là biết ai cũng nghèo. Áo không đủ lành, tóc vàng cháy, da đem nhèm. Anh Nguyễn Minh Tân, người thu mua cua giống cười khẩy với chúng tôi: “Giàu có ai mà ra biển bắt cua, các anh khéo hỏi”.
Trẻ con nghèo ven biển bắt cua giống.(Ảnh:Nhật Hồ) |
Trong khi đó tại cửa biển Nhà Mát (Bạc Liêu), Khai Long (Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) hàng ngày có đến hàng ngàn con người ùa xuống bãi bồi để tìm kiếm những thứ còn lưu lại trên biển. Chưa ai thống kê hết những sản vật mà “đội quân” túa ra bãi bồi bắt được hàng ngày đem về đất liền. Chỉ tính riêng mặt hàng cua biển thuộc các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau mỗi ngày các chủ vựa bỏ ra trên 700 triệu đồng để thu mua.
Cách đây 10 năm, người ta ra bãi bồi để bắt tôm, nghêu, cá thương phẩm. Còn bây giờ hầu như đã hết. Tất cả ùa xuống bãi để bắt những loài giống thuỷ sản như: cua, cá kèo, nghêu, sò bán cho người nuôi. Từ tháng 1 – 3 bắt cua giống; tháng 4 – 7 bắt cá kèo; tháng 8 -12 bắt nghêu cám. Đã có những “mỏ nghêu” bị người dân băm nát lùng sục khắp nơi khi nó mới vừa to hơn hạt cát.
Hiu hắt làng ven biển
Trong quá trình khai thác biển, những cư dân này quần tụ lại, tự lập thành xóm trên những vạt rừng, cửa sông để thuận tiện cho việc ra bãi biển. Tuyệt nhiên không có hộ khẩu, khai sinh và chẳng có “cục đất chọi chim”. Tại ấp 14, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình, tỉnh Bạc Liêu từ trên 20 năm nay đã hình thành một xóm như thế.
Cả gia đình bà Lê Thị Miên (có 4 người) nguyên quán tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị i vào đây đã 20 năm. Nay thành viên gia đình đã lên đến trên 20 người sống trên đất lâm phần, hàng ngày ra biển bắt cua, nghêu, sò. Bà cho biết: “Hồi ấy ở quê nghèo lắm mới vào đây sinh sống. Không nghề, không tiền lấy đâu mua đất nên bám vào biển mà sống. Người ta có tiền đóng tàu, chúng tôi đào đâu ra tiền nên dùng xiệp, lưới, te bắt trong mé”.
Ơ đây có đến 149 hộ sinh sống trên đất lâm phần hành nghề bắt trộm sản vật của biển trên bãi bồi. Họ hầu hết là dân nghèo của các địa phương khác đến đây sinh sống. Cả mấy trăm hộ như vậy đều không có đất sản xuất, chẳng có hộ khẩu, nhà sập xệ vừa đủ che nắng, che mưa. Những cơn bão lớn, họ xúm xích, co ro vào trụ sở UBND xã ẩn náu. Tạnh cơn mưa, họ quay trở lại và ùa ra biển để kiếm sống qua ngày.
Hầu hết những cư dân ven biển đều là những người nơi khác tới. Họ không phải là người địa phương. Tuy nhiên, tất cả đều có điểm chung là nghèo, không có tư liệu sản xuất, sống theo con nước thuỷ triều lên xuống. Chính vì vậy mà đời sống của họ cũng bấp bệnh theo con nước lớn ròng.
Làng nghèo, người dân sống dựa vào rừng, vào biển. (Ảnh: Nhật Hồ) |
Theo khảo sát của Tổ chức Chữ thập đỏ Việt Nam đối với vùng đất ngập nước ven biển BĐCM và Sóc Trăng. Trên 70% sống dưới mức nghèo đói theo chuẩn quốc tế và tỷ lệ hộ nghèo trên 50% theo chuẩn nghèo Việt Nam. Tổ chức này cũng đã viện trợ bằng chương trình định cư, tách họ ra khỏi rừng phòng hộ ven biển gần 1.000 hộ. Tại Bạc Liêu có đến 237 hộ thuộc chương trình này, Cà Mau trên 300 hộ. Ông Tô Thanh Hải, có trong danh sách được cấp nhà vào làng tái đinh cư cho biết: “Chúng tôi vào làng tái định cư cũng mừng, nhưng biết làm gì mà sống. Không đất, không nghề lấy gì nuôi 4 miệng ăn”. Vậy là mặc cho làng tái định cư mọc lên, họ vẫn bám rừng, bám biển mà sống qua ngày.
Chính quyền tại những xã ven biển vùng BĐCM và Sóc Trăng không lạ gì những làng tự phát như thế. Nhưng có một điều lạ là ai cũng biết bãi bồi là nguồn tài nguyên lớn; là nơi để tôm cá vào sinh sôi nảy nở nhưng hàng mấy chục năm nay không quản lý, quy hoạch để khai thác. Có chăng là khai thác theo kiểu tận diệt và ùn ùn nuôi tôm ven biển mà phó mặt cho môi trường ven biển bị ô nhiễm một cách trầm trọng.