ThienNhien.Net – 56 km bờ biển chạy dài từ Nhà Mát đến Gành Hào, chưa ai đếm được bao nhiêu hạt phù sa bồi đắp cho đất liền một năm. Chỉ biết rằng cách đây 30 năm bờ biển gần lắm, gần tưởng chừng như với tay là bắt được. Biển hiền hòa đem những hạt phù sa nuôi đất, nuôi người như đất mẹ nuôi cây cỏ. Nhưng bờ biển Bạc Liêu, cũng như rất nhiều bờ biển khác trên thế giới, chưa khi nào lặng sóng. Chính vì thế khai thác biển, sống bằng nghề biển là nghề liệt vào may rủi và khó nhọc.
Một ngày lang thang trên bãi biển
Tôi là một kẻ ngoại đạo trong cái nghề mà đại đa số những cư dân ven biển Bạc Liêu đều biết và sống bằng nó: cào nghêu, đẩy xiệp. Sáng sớm tôi có mặt trên bờ biển Nhà Mát, ánh nắng chói chang rọi xuống rừng mắn ánh lên một màu lóng lánh. Với tôi đó là cảnh đẹp, nhưng với gia đình ông Lâm Dương, ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông chưa bao giờ nhận ra điều đó mặt dù ngày nào ông cũng ra biển, đối diện với biển, mưu sinh ven biển bằng nghề cào nghêu.
Nuốt vội miếng cơm trong lon nhỏ xíu sức mẻ nhiều chỗ ông tâm sự:“Mỗi ngày cào được vài chục ngàn đồng thôi. Người ta cào đông quá nên nghêu cũng ít đi nhiều. Hồi tháng trước mình tôi cào một ngày trên trăm ngàn lận đó”. Cách đây một tháng, bãi biển Nhà Mát như một công trường đang vào giai đoạn thi công nước rút. Hàng trăm người đổ xô ra biển cào nghêu. Những con nghêu giống nhỏ xíu. Nhỏ đến mức khó có thể phân biệt đâu là nghêu đâu là cát. Vậy mà nó đem đến cho những cư dân nghèo thu nhập không thua bất cứ một nghề lao động phổ thông nào.
Anh Kim Dương nhà ở ấp Giòng Giữa B cả 3 người đến đây cào đã một tháng nay, hôm qua cả gia đình cào bán được 70.000 đồng. Anh xua tay khi tôi đưa máy ảnh lên chụp: “Cậu đi ra biển chụp đẹp lắm, đông người lắm”.
Biển cả không phải là tài nguyên vô tận |
Hôm nay là ngày 4 âm lịch, con nước ròng vẫn còn. 8 giờ nước mới lò bãi, vậy mà những người đi đẩy xiệp, cào nghêu bắt đầu lội ra biển. Tôi ái ngại hỏi anh Trần Thanh Hòa: “Nước thế này không sợ sóng đập trôi ra biển sao?”. Anh nhìn tôi từ đầu đến chân rồi buông một câu trả lời gây sốc: “Ông biết cái gì về biển mà nói”.
Như biết mình lỡ lời anh nói: “nước vừa mới rút tôm mới nhiều mình phải đón luồng tôm đẩy xiệp mới có chớ đợi nước ròng lò bãi sát quen rồi tôm nó chạy ra biển hết lấy đâu mà đẩy”. Nói đoạn anh quay bảo với người đi chung, đi ra nhanh kẻo trời mưa. Trời đang nắng chang chang, phía xa có vài đám mây trắng ngoằn nghèo bay lượn. Có lẽ chính đám mây này báo hiệu cho anh Hòa biết trời sắp mưa…
Tôi lang thang trên bãi biển cùng với trên 300 người đi cào nghêu, đẩy xịêp. Họ không lang thang, chỉ có mình tôi lang thang thôi. Vì tất cả họ đều cào không ngơi tay, chỉ có tôi là đi hết chỗ này đến chỗ khác để … nhìn.
11 giờ trời bắt đầu đổ mưa. Tôi ba chân bốn cẳng chạy vào bờ. Nhưng chỉ có mỗi mình tôi, tất cả đều ở lại với dụng cụ của mình xục xạo những sản vật của biển ban phát để tìm cái ăn, cái mặc cho con cái, gia đình và cho chính họ.
Cũng những trận mưa như thế, cũng trên bãi biển này, anh Lý Dệ bị sét đánh chết trong lúc dầm mưa cào nghêu. Những người đi cào nghêu đều sợ, nhưng trước nhu cầu của cuộc sống thôi thúc họ bước xuống bãi biển mặc cho trời mưa gió.
Gian nan những chuyến tàu
Trong đó 214 chiếc có khả năng đánh bắt tầm xa (từ 90 CV trở lên). Có quá nửa đội tàu đánh bắt tầm xa của huyện neo đậu không dám ra khơi nữa. Tác động của giá xăng dầu làm cho phương tiện khai thác thủy sản của huyện gần như bị tê liệt. Anh Nguyễn Quang Tuyên, cán bộ phụ trách đánh bắt thủy sản Phòng Thủy sản – Nông nghiệp của huyện cho biết: “Giá dầu hiện nay đã tăng lên so với trước đây 5.000 đồng/lít, hiện các cây xăng tại đây bán 11.500 – 11.650 đồng/lít.
Mỗi chiếc ra khơi từ 5.000 – 6.500 lít dầu, vì vậy chi phí đầu vào tăng thêm trung bình 20 – 30 triệu đồng trong khi đó giá tôm, cá không tăng đã làm nản lòng người đi biển”. Nhìn những đội tàu neo đậu san sát nhau tại Khu vực 4, Khu vực 1 như đi trú bão mới thấy hết khó khăn của ngành kinh tế này của huyện.
Anh Nguyễn Minh Đức, chủ tàu đánh bắt tầm xa BL 3259 TS vừa cập bến bán ca cho một vựa tại Khu vực 3 cho biết: “Tôi ra khơi 12 ngày đêm, cho phí hết tất cả 22 triệu đồng chưa kể tiền bán ghe nhưng bán được chỉ hơn 23 triệu đồng. Về chuyến này chắc tôi không ra khơi nữa”. Ông Nguyễn Văn Tâm, một ngư phủ tại Gành Hào nói với tôi: “Bây giờ chẳng ai dám ra khơi đâu. Họ đợi có thông tin có cá, tôm mới dám ra khơi vì đi mà không đón luồng được thì lỗ tiền dầu như chơi”.
Ngành đánh bắt thủy sản khó khăn, kéo theo 2.000 người tại khu vực thị trấn có nguy cơ không việc làm. Thế mới biết biển đâu chỉ nuôi sống những người trực tiếp khai thác mà tác động mạnh đến những người làm dịch vụ và lao động trên bờ.
Thật ra ngư trường Bạc Liêu không đến nỗi phải thất bát, cạn kiệt nguồn tôm cá. Những đội tàu từ Bình Thuận, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau đến đây khai thác và họ sống được trên ngư trường Bạc Liêu. Còn những ngư phủ Bạc Liêu gần như quá tin vào sự hào phóng của biển mà chậm đổi mới phương thức đánh bắt nên lúc nào cũng thua thiệt.
Nay giá xăng, dầu tăng cao đã làm cho họ lao đao vì biển. Người ta đổ cho những phương tiện đánh bắt gần bờ, những chiếc ghe cào gần bờ theo cách “tận diệt”. Nguyên nhân ấy chưa phải là tất cả, bởi biển có hào phóng cỡ nào cũng khó có thể đáp ứng nhu cầu của con người ngày càng tăng và dĩ nhiên phương tiện đánh bắt cũng tăng lên.
Ông Nguyễn Tấn Khương, Trưởng Phòng Thủy sản – Nông nghiệp huyện Đông Hải cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư vốn cho 6 chiếc tàu đánh bắt xa bờ chuyển đổi từ cào cá sang cào tôm nhưng hiện nay chỉ có một chiếc trả được nợ còn lại xem ra khó có khả năng trả được nợ”.
Rừng ven biển bị xâm hại, môi trường ven biển ảnh hưởng nghiêm trọng. (Ảnh chụp tại cửa biển Gành Hào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) |
Công bằng mà nói biển Bạc Liêu hiện nay cá tôm không nhiều như trước đây. Bởi người ta lấy của biển quá nhiều trong khi chưa trả về với biển những gì cần thiết. Môi trường vùng ven biển Bạc Liêu đầy rác thải, mặt nước ô nhiễm, những vạt rừng đang bị con người khai thác quá mức… tất cả làm cho nguồn lợi của biển đang dần cạn kiệt.
Những đội tàu vẫn ra khơi, họ không biết vì sao càng ngày càng ít cá, tôm cũng như không biết rằng biển không phải là tài nguyên vô tận.
Đánh thức tiềm năng ven biển
Bạc Liêu có chiều dài bờ biển 56 km. Đây là điều kiện thuân lợi để Bạc Liêu phát triển kinh tế biển. Nhưng mấy năm qua kinh tế biển vẫn chưa hiểu đúng và đủ. Người ta cứ nghĩ kinh tế biển là khai thác những gì trên biển cả ban tặng mà quên rằng bờ biển là một tài nguyên.
Thậm chí tài nguyên này có giá trị gấp nhiều lần so với những gì khai thác được từ mặt nước biển. Đó là du lịch ven biển. Mấy năm qua, Bạc Liêu đã xây dựng hệ thống du lịch ven biển. Cửa biển Nhà Mát đã được quy hoạch xây dựng cụm du lịch với nhiều hạng mục khác nhau có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Nhưng tiếc rằng quy họach này chậm được triển khai thực hiện.
Chính vì vậy tại đây chỉ chổng chơ một nhà hàng Hương Biển hoạt động. Những tặng phẩm du lịch từ biển chưa được chú ý khai thác.
Một con đường ven biển từ cửa biển Nhà Mát đến cửa biển Gành Hào đã được triển khai thực hiện. Đây là một trong 13 công trình trọng điểm của tỉnh thực hiện hoàn thành trong năm 2005. Hiện đơn vị thi công đang gấp rút thực hiện, nhưng khả năng hoàn thành vào năm nay là không thể. Nhưng dù gì đi nữa thì đây sẽ là con đường huyết mạch nối liền những cư dân ven biển, những xóm làng heo hút ven rừng với thành thị.
Chí ít ra nó cũng rút ngắn khoảng cách văn minh giữa thị xã và vùng quê heo hút ven rừng. Để đón đầu công trình này, huyện Vĩnh Lợi quy hoạch 30 ha tại xã Vĩnh Thịnh làm khu du lịch của huyện. Trong khi đó huyện Đông Hải đã hoàn thành khu quy hoạch du lịch ven biển tại khu vực 5, thị trấn Gành Hào. Những dự tính cho một vùng kinh tế ven biển bây giờ đã là quá muộn. Nhưng muộn hơn là nó chưa được thực hiện một cách đồng bộ.
Du lịch ven biển, quy hoạch bãi nghêu giống, bảo vệ rừng là những từ đã được nghe khá lâu và được chú ý đến cũng đã lâu, nhưng cho đến hôm nay bãi nghêu nhà nước quy hoạch ở đâu, giao móc chưa thì chẳng ai biết. Mỗi khi nghêu giống xuất hiện hàng trăm con người ra biển vô tư cào, vô tư bắt trong khi chính quyền địa phương không ngăn cản nổi. Bởi một điều duy nhất là hành lang pháp lý bảo vệ bãi nghêu chưa xây dựng. Vậy là của biển vẫn là của trời cho, người dân khai thác của biển chớ có khai thác gì của Nhà nước đâu. Thế là quy họach bãi nghêu vẫn là quy hoạch, người dân khai thác cứ khai thác.
Hậu quả của việc bao ví nước để nuôi trồng thuỷ sản làm cho rừng mắm (một loại cây rừng ngập mặn) bị trơ cành khẳng khiu trước gió. Cho dù lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra rừng nhưng mỗi năm tại Bạc Liêu có đến trên 500 vụ bao ví nước trên đất lâm phần nuôi tôm làm cho cây rừng chết hàng loạt. |
Nếu có sợi dây nối đất liền với biển đó là những con tàu và những công trình ven biển. Khai thác biển gắn liền với bảo vệ biển. Đã đến lúc không nên cho người dân tràn lan ra biển nhặt nhạnh những sản vật biển ban phát. Phải trân trọng những gì biển ban tặng và khai thác dần, biến nó thành sản phẩm du lịch. Bởi bao giờ người dân còn ra biển cào nghêu, đẩy xiệp thì cuộc đời họ khó có thể phất lên được.
Đứng trước biển cảm thấy mình nhỏ nhoi đến lạ. Nhìn những con nghêu giống nhó xíu như hạt cát mà cư dân ở đây mới cào về mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của người dân. Tôi cứ băn khoăn một điều không hiểu vì sao cư dân ven biển Bạc Liêu hầu hết đều nghèo.
Cái nghèo này chắc chắn một điều không phải biển cả bạc đãi họ dù con sóng bạc vẫn vỗ bờ hàng ngày. Những dự án du lịch, con đường ven biển phẳng lỳ, những chiếc thuyền ra khơi, những dãy nhà san sát nhau, những đầm tôm, những bãi nghêu, những chiếc áo xanh đỏ đủ màu… cứ lấp loáng trong đầu tôi khi nhìn về tương lai của vùng đất ven biển, tôi hoàn toàn không bị hoa mắt trước nắng, gió và sóng biển. Biết đâu ngày mai…