Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm về làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ (Thanh Hoá) để được chiêm ngưỡng "cá thần" (cá giốc). Song hiện nay tại "Suối cá thần" tình trạng nguồn nước đang bị ô nhiễm, rác thải đổ bừa bãi là điều đáng báo động.
Mặc dù huyện Cẩm Thuỷ đã thành lập Ban quản lý khu du lịch “Suối cá thần” (BQLSC), song hầu như mọi hoạt động vẫn mang tính tự phát, chưa đi vào nền nếp. Do đó, nhiều du khách vô ý đã xả rác bừa bãi ra dọc lối đi. Bất chấp lời cảnh báo của một nhân viên chuyên cầm loa tay thông báo mọi người không nên đến quá gần chỗ cá bơi lội và không được sờ vào cá, nhưng nhiều du khách vẫn làm ngơ.
Mỗi lúc có người nào đó thò tay xuống nước, ngay lập tức cả đàn cá hàng trăm con có hình thù rất đẹp với lớp vảy phía trên lưng màu sẫm tựa như rêu đá, thân hình khá giống loài trắm sông, lưng và vây có chấm đỏ, môi phớt hồng vùng vẫy tháo chạy vào hang để lại làn nước ngầu đục rất bẩn. Đang là thời điểm nguồn nước từ trong lòng núi chảy ra rất ít, nên lòng suối khá cạn, đàn cá ra vào hang khó khăn.
Chính vì vậy, BQLSC đã cho đắp kín miệng cống ở phía cuối con suối nhằm giữ nguồn sinh thuỷ cho cá bơi ra giữ nước cho người dân Lương Ngọc sinh hoạt. Việc bịt cống đã vô tình biến “Suối cá thần” trở thành một cái ao tù. Qua quan sát cho thấy, khi không có ai quấy quả đến đàn cá thì cũng chỉ còn nguồn nước ở gần sát cửa khe núi Trường Sinh là trong xanh, ngược xuống phía dưới khoảng 50m, cả một hồ nước rộng nhưng chứa đầy bùn và ngầu đục.
Ông Nguyễn Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Cẩm Lương – tỏ ra rất lo lắng đối với sự tồn tại của “Suối cá thần” do tạo hoá đã ban tặng cho con người. Theo ông Lợi khẳng định, suối cá khi đang còn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương, vào mỗi buổi chiều tối lúc cá vào hết trong hang là cho lực lượng bảo vệ xuống dùng cào sục bùn đất lên, mở cửa cống cho nước bẩn thoát hết ra đồng tưới lúa. Đến 2 giờ sáng lại cho người ra đóng cửa cống để giữ nguồn nước đảm bảo cho cá “sinh hoạt”.
Nguồn rác thải cũng được thu gom hàng ngày sau đó đổ vào hố tẩm xăng đốt để đảm bảo vệ sinh môi trường. Bây giờ thì BQLSC gần như làm ngược lại. Ông Nguyễn Văn Phương – cán bộ BQLSC – cho biết: BQL được thành lập và tiếp quản suối cá từ tháng 01/2008. Ngay sau khi đi vào hoạt động, các vấn đề thực hiện thu chi tổ chức rất chặt chẽ. Nếu như trước đây, huyện Cẩm Thuỷ giao khoán cho xã Cẩm Lương mỗi năm thu 400 triệu đồng thì chỉ trong quý I/2008, Ban quản lý suối cá đã thu được 370 triệu đồng.
Về nguồn nước ô nhiễm và rác thải đổ bừa bãi, ông Phương thoái thác: “Nước suối đục là do lượng khách đến quá đông, thả nhiều thức ăn đã cấm như mì tôm, bỏng ngô, rau, lạc xuống. Ban quản lý không có đủ lực lượng để theo dõi được du khách. Về rác thải được Ban quản lý cho tập hợp rồi chở đổ trong chân đồi nhưng đã có sự đồng ý của chủ hộ khu đất”. Song ông Phương cũng đã thừa nhận “mỗi tháng BQL mới cho làm vệ sinh lòng suối một lần”. Sẽ chẳng mấy du khách tìm về Lương Ngọc nếu nơi đây không có “Suối cá thần”. Muốn giữ được suối cá, muốn khai thác du lịch để phát triển kinh tế, tăng thêm nguồn thu, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương trước tiên phải giữ được rừng, đảm bảo nguồn nước và phải chú trọng đến công tác vệ sinh môi trường.