Những lo lắng, băn khoăn về mở rộng Hà Nội là chính đáng và cần thiết, nhưng cũng cần xem xét vấn đề trong xu thế vận động, phát triển. Việc khó, nhưng quyết tâm cao sẽ làm được – Bí thư Thành uỷ Phạm Quang Nghị nói.
Cùng lắng nghe và xử lý thông tin
Thưa ông, trước và ngay trong kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đề mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đang là đề tài thảo luận rất sôi nổi của báo chí và dư luận. Ông có bình luận gì xung quanh việc này?
Những công việc hệ trọng liên quan đến Thủ đô đều được mọi người quan tâm là việc hết sức tự nhiên. Hơn nữa, đó còn là thể hiện bầu không khí cởi mở và dân chủ của đất nước.
Mở rộng hay không mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội; mở rộng như thế nào và vào lúc nào… đều là những vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng tác động của nó không chỉ trước mắt mà lâu dài.
Việc có nhiều ý kiến trao đổi, có nhiều người quan tâm là rất đỗi bình thường và cũng rất cần để chúng ta cùng lắng nghe, cùng xử lý thông tin.
Nhưng một điều dường như không bình thường là hiện có những ý kiến tuy đồng tình với chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, nhưng lại cho rằng Đề án, Tờ trình chưa thuyết phục?
Đối với một vấn đề quan trọng, lớn lao như vậy thì việc luận bàn, trao đổi như đang diễn ra, tôi nghĩ là cũng xứng với tầm vóc vấn đề. Qua đó biết được, trong số các ý kiến chỗ nào gặp nhau, chỗ nào chưa gặp nhau, đặt ra để Quốc hội xem xét quyết định.
Đối với nội dung Tờ trình và Đề án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đây là một vấn đề lớn và lại khó, mặc dù đã được chuẩn bị công phu nhưng vẫn còn những khiếm khuyết là khó tránh.
Với trí tuệ và tâm huyết của các đại biểu Quốc hội sẽ chỉ ra những gì chưa ổn, chưa hoàn thiện; Chính phủ chắc chắn sẽ rất sẵn sàng giải trình và tiếp thu trước Quốc hội.
Chắc ông đã đọc Báo cáo thẩm định của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đặc biệt là những ý kiến băn khoăn hoặc không tán thành với Tờ trình ?
Tôi có dự buổi họp đó của Quốc hội và tôi đã đọc các văn bản. Đúng là Tờ trình còn có những điều nói chưa sâu, chưa rõ, hoặc có sơ suất. Nhưng hầu hết những vấn đề đó đã được bổ sung, làm rõ trong Báo cáo do đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày, đặc biệt là trong phát biểu của Thủ tướng khi thảo luận.
Theo ông, dựa trên những căn cứ quan trọng nào mà chúng ta phải đưa ra quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội vào lúc này bởi lẽ có nhiều ý kiến đặt vấn đề, liệu việc mở rộng Thủ đô được quyết định vội vã hay không?
Tờ trình của Chính phủ và nhất là Báo cáo về quá trình nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội do Bộ Xây dựng chuẩn bị đã nói khá chi tiết vấn đề này. Đây là vấn đề lớn, chỉ nói mấy dòng thì thật là khó.
Câu chuyện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, về mặt chủ trương, đã được đề ra khá sớm, suốt gần hai nhiệm kỳ Chính phủ. Các cơ quan chức năng nghiên cứu khá công phu, đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều ngành.
Lý do hay là căn cứ lớn nhất, theo tôi hiểu, đó là Thủ đô Hà Nội đang đứng trước những yêu cầu mở rộng, phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhưng gặp phải những sự bất cập, quá tải về nhiều mặt: dân số, diện tích, môi trường…
Còn vì sao bây giờ mới đặt ra, thì cũng chính là lúc này chúng ta mới có đủ điều kiện và những đòi hỏi trên cũng đủ độ cấp bách, những khó khăn cũng bộc lộ rõ hơn, hầu như ai cũng thấy.
Việc khó, quyết tâm cao có thể giải quyết được
Liệu có giải pháp nào khác, hay cứ phải mở rộng và mở rộng như chúng ta đang dự kiến là hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, toàn bộ huyện Mê Linh và 4 xã của Hoà Bình?
Đây là câu hỏi rất then chốt của vấn đề. Tôi nghĩ câu hỏi đó cũng có thể đặt ra với mọi người, xem có ai đề xuất được phương án nào tốt hơn, hay hơn không? Nếu có, tôi chắc rằng sẽ được Quốc hội xem xét một cách nghiêm túc.
Thực sự thì Bộ Xây dựng đã trình ra tất cả 5 phương án để so sánh, lựa chọn. Qua thảo luận, thu hẹp dần còn 2. Từ hai phương án chọn 1 phương án có nhiều ưu điểm hơn cả, nhưng ngay với phương án đó, theo tôi cũng không phải chỉ toàn là thuận lợi, ưu điểm mà cũng có khó khăn, có nhược điểm, nhưng qua thảo luận, mọi người thấy đó là phương án tốt hơn các phương án khác.
Tôi theo dõi, thấy có nhiều ý kiến không đồng ý, nhưng cũng không nêu ra phương án nào khác. Giả thiết có phương án thứ 5, thứ 6 đi nữa, thì chắc rằng nó cũng không đáp ứng được tất cả mọi khía cạnh.
Vấn đề là chúng ta phải chọn lựa những gì là cơ bản, chính yếu nhất.
Nhưng trong Báo cáo thẩm định của Uỷ ban Pháp luật và nhiều ý kiến đang chỉ ra những bất cập và những cái không hợp lý của phương án mà chúng ta dự tính thông qua ?
Có những băn khoăn, lo lắng tôi nghĩ là chính đáng, như các băn khoăn liên quan đến các yếu tố, đặc điểm văn hoá, truyền thống của mỗi vùng miền, địa phương bây giờ tích hợp lại ra sao? Hoặc các gợi ý lựa chọn về mô hình Thủ đô cần phải ưu tiên giải quyết những loại vấn đề gì? Hoặc những lo lắng về năng lực quản lý điều hành một địa bàn rộng lớn, có nhiều đơn vị cấp quận, huyện; về quy mô, khối lượng công việc nhiều hơn trong khi trình độ, năng lực, đội ngũ cán bộ vẫn gồm bấy nhiêu con người, v.v…
Lo lắng, băn khoăn là cần thiết, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng cần xem xét vấn đề trong xu thế vận động, phát triển, trong mối quan hệ nhiều mặt. Việc khó, nhưng nếu quyết tâm cao, lại được Trung ương và cả nước góp sức thì cũng có thể giải quyết được.
Nhiều ý kiến đề cập đến công tác bố trí cán bộ sau khi Thủ đô mở rộng. Ý kiến của ông về vấn đề quan trọng này ra sao?
Chúng ta phải chờ quyết định chính thức của Quốc hội. Nhưng tôi đồng ý công tác cán bộ là việc vô cùng quan trọng và đây là công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể, của nhiều cấp có liên quan xem xét, giải quyết phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước.
Liệu có diễn ra tình trạng là sau khi hợp nhất, bộ máy và cán bộ có sự xáo trộn, sẽ ảnh hưởng không tốt đến công việc?
Tôi đồng tình ở chỗ là không nên nhìn nhận vấn đề một chiều hoặc quá đơn giản. Nếu nói tuyệt đối không xảy ra thì cũng dễ có tư tưởng chủ quan. Nhưng tôi nghĩ rằng, nếu mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều vì sự nghiệp chung, mà sự nghiệp chung ở đây được hiểu theo tinh thần “Thủ đô vì cả nước và cả nước vì Thủ đô”.
Dù cán bộ từ nhiều nguồn hợp lại, và Thăng Long – Hà Nội vốn là nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của dân tộc, thì việc tiếp nhận những giá trị văn hoá các vùng, miền khác nhau cũng như khả năng nhanh chóng ổn định bộ máy, cán bộ để cùng nhau xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại là điều chúng ta có thể làm được. Vì ngoài nguồn lực cán bộ tại chỗ, chúng ta còn có sự quan tâm của Trung ương và cả nước.
Tất nhiên, đội ngũ cán bộ Thủ đô Hà Nội phải là những người trực tiếp nhất, phải nỗ lực, cố gắng trong quá trình tổ chức thực hiện sau khi Quốc hội thông qua.
Xin cám ơn ông!