Đứng trước những thách thức to lớn của vấn nạn môi trường mà các chính sách của xã hội vẫn chưa đem lại hiệu quả, câu hỏi dành cho vai trò của Phật giáo được xem là đề tài khá thu hút bởi công năng thực hành của một hệ thống giáo lý mang đậm từ bi, yêu chuộng hoà bình. "Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu" – là một chủ đề quan trọng tại các hội thảo nhóm trong ngày hoạt động thứ hai của Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc (LHQ) Vesak 2008 hôm 15/05.
Theo Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (VN), ngay từ khi mới xuất hiện, Đạo Phật đã xác định cho mình một nhiệm vụ vô cùng trọng đại: đó là vì lợi ích của chúng sanh, vì sự sống của nhân loại, giải thoát khổ đau cho hết thảy chúng sanh. Cho nên, sẽ không có gì quá đáng khi các nhà trí thức tiến bộ hiện nay đã đồng ý với nhau rằng, đạo Phật là con đường giải quyết các vấn nạn cho nhân loại, trong đó có vấn nạn môi trường.
Tiến sĩ Manpreet Sigh giải thích thêm: “Người ta có khuynh hướng mua các sản phẩm tiêu dùng. Trong nền văn hóa mua sắm nơi mà sự mua sắm nối kết với lòng kiêu hãnh, sự thỏa mãn là hạnh phúc, chẳng cần hỏi xem sự mua sắm đó có cần thiết và hữu dụng không?
Sự cân bằng lành mạnh giữa các nguồn tài nguyên có sẵn và việc sử dụng chúng một cách khôn ngoan là nhu cầu bức thiết bây giờ và sự cân bằng này có thể có được bằng cách áp dụng các “Giới Luật” của Phật giáo trong đời sống giản dị và tri túc”.
Tiến sĩ Sigh cho biết, việc sử dụng vô ý thức các nguồn tài nguyên đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Phật giáo cống hiến vài giải pháp hữu hiệu như là: Chấp nhận đời sống giản dị, nuôi dưỡng lòng từ đối với muôn vật không đốt phá rừng, v.v… Đó chính là những giải pháp cần được áp dụng để kiềm chế sự biến đổi khí hậu.
GS TS. Mai Trần Ngọc Tiếng và Thượng toa Thích Đạt Đạo dẫn tinh thần Duyên Khởi của Đức Phật: “Cái này có nên cái kia có; Cái này không nên cái kia không; Cái này sinh nên cái kia sinh; Cái này diệt nên cái kia diệt”.
Theo hai ông, nguyên lý này đề cao tinh thần bình đẳng trên phương diện cộng sinh. Vì mối quan hệ mật thiết giữa các cá thể cộng tồn nên sự diệt vong của một hiện hữu sẽ tác động đến sự sinh tồn của các cá thể còn lại. Chính vì điều này mà Phật giáo chủ trương không nên xem thường mối liên hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên môi trường.
Thượng tọa Thích Gia Quang nhấn mạnh, Phật giáo luôn cho rằng tư tưởng con người là quyết định tất cả hành động của con người. Và một môi trường sống thật sự trong lành, không ô nhiễm khi và chỉ khi tất cả mọi người đều có ý thức bảo vệ và gìn giữ nó. Do đó, muốn giữ gìn môi trường trong sạch cần phải lấy thay đổi tư tưởng của con người làm điều kiện tiên quyết.
Bên cạnh hội thảo trên, 6 hội thảo với các nhóm chủ đề khác nhau cũng đã diễn ra đồng thời, bao gồm: Vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh; Sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội; Phật giáo nhập thế và sự phát triển; Chăm sóc môi trường: Vấn nạn gia đình và Giải pháp của Phật giáo; Diễn đàn “Giáo dục Phật giáo: Sự kế thừa và phát triển”; Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.
Đại lễ Phật đản LHQ Vesak 2008 đã bế mạc với việc ra Tuyên ngôn Vesak tại Hà Nội.