Tuyến đường Nậm Loỏng – Sìn Hồ (Lai Châu) dài 64km được bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 12/2006. Tuy nhiên, sẽ không có gì để nói nếu không có sự tàn phá rừng ngang nhiên của lâm tặc ở khu vực này. Chỉ trong một thời gian ngắn, từng khu rừng già rậm rạp đã bị lâm tặc "tùng xẻo". Những cây gỗ to vài người ôm biến mất sau mỗi ngày, cưa máy chặt gỗ gầm vang cả đoạn đường.
Những điều trông thấy
Vượt hơn chục cây số, đến khu rừng dọc tuyến tỉnh lộ 129 (đường Nậm Loỏng – Sìn Hồ), bắt đầu xuống dưới đèo Can Tỷ, từng đám nương ngay cạnh đường đã thiêu rụi cả khu rừng.
Ngay tại khu rừng bị cháy cách chốt kiểm lâm xã Phìn Hồ chừng 200m, một số cây có đường kính khoảng 30cm đã bị hạ nằm ngay bên vệ đường. “Ở đây vẫn chưa đáng nói, mình lên trên km25 xem mới thấy được sự tàn phá rừng” – anh bạn dẫn đường cho biết.
Đến km25, để xe bên đường, anh em chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình xem “rừng chảy máu”. Vượt qua dốc đứng khoảng 100m, trước mặt là cả khu rừng rộng bị cháy đen thui, cây đổ ngổn ngang.
Đi thêm một đoạn nữa, những thân cây to đổ rạp. Điều đáng nói là chỗ khai thác này chỉ cách mặt đường Nậm Loỏng – Sìn Hồ khoảng 150m.
Càng đi sâu, những khoảng rừng bị chặt phá càng nhiều. Những gốc cây còn đang chảy nhựa, những khúc gỗ nằm ngổn ngang hai bên đường. Có chỗ cây mới bị hạ, lâm tặc còn chưa xẻ hết…
Đi lên cao một chút nữa, chúng tôi chạm trán một nhóm lâm tặc 4 người. Với một chiếc cưa, rìu vác trên vai, họ ngang nhiên vào rừng hạ gỗ. Thấy người lạ không phải là kiểm lâm hay công an, họ thản nhiên tiếp tục phá rừng.
Đóng vai người đi mua gỗ, được Điều A Lùng (bản Can Tỷ 1, xã Ma Quai) mời mọc: “Ông muốn mua bao nhiêu gỗ, tôi để cho, loại gì cũng có”.
Khi thấy khách nhăn mặt chê chặt bằng cưa, rìu chậm thì Lùng hất hàm: “Tại mấy hôm nay kiểm lâm làm gắt quá do có sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chứ không bọn tôi vác cưa máy đi, ông cần bao nhiêu gỗ, trong thời gian như thế nào cũng xong tuốt. Bây giờ ông đi theo bọn tôi xem gỗ, ưng loại nào thì có ngay”.
Bước chân theo lâm tặc xem phá rừng. Cũng bắt đầu từ đây, núi rừng bị xâm lăng một cách tan hoang với những khoảng đồi chỉ còn trơ trọi gốc cây bị đốn hạ hay những thân cây bị cưa, xẻ nằm lộn xộn khắp núi rừng.
Càng lên cao, cảnh tàn phá rừng càng tan hoang, những thân cây to vài người ôm bị hạ xuống không thương tiếc, kéo theo nó là những cây con bị đổ, bị chặt để dễ bề hạ những cây to.
“Đây mới chỉ bắt đầu thôi, vì chỉ cách đường vài trăm mét. Tý nữa chúng ta leo lên đỉnh thì sự tàn phá còn khủng khiếp nữa” – anh đi cùng bạn nói.
Như lời anh bạn nói, đi được khoảng 1 tiếng, gần lên đến đỉnh thì việc khai thác càng mạnh. Có khoảng rừng rộng chừng 300m2 mà có đến 5 cây to bị hạ…
Làm nhà trên đường để chặt gỗ
Từ khi tuyến đường Nậm Loỏng – Sìn Hồ bàn giao đi vào sử dụng thì cũng là lúc người dân các bản phía dưới thi nhau lên mặt đường làm nhà sinh sống. Dọc tuyến đường từ đỉnh đèo Can Tỷ xuống đến ngã ba đường Tà Ghênh – Nậm Pậy có khoảng trên 30 nóc nhà được dựng lên. Trước đây chỉ có 1 bản Can Tỷ thuộc xã Ma Quai thì bây giờ đã có đến 3 bản.
Điều đáng nói là các nhà làm tại đây để ở thì ít mà phục vụ đội quân khai thác gỗ thì nhiều. Tôi dừng chân tại bản Can Tỷ 1 (xã Ma Quai), cả bản chỉ có vài nóc nhà. Thấy xe dừng, vài đứa trẻ ngơ ngác, một thanh niên da xanh bủng từ trong nhà chạy ra hỏi: “Có việc gì vậy, kiểm lâm à, bọn này không khai thác gỗ nữa đâu mà bắt”.
Sau một hồi nói chuyện là người đi mua gỗ, 4 thanh niên nữa đã có mặt. Lùng (tên người thanh niên) tiếp chuyện: “Muốn mua bao nhiêu gỗ, loại gì, làm nhà như thế nào và bao giờ lấy. Nếu muốn có ngay thì không được vì kiểm lâm đang làm gắt, không vận chuyển được”.
Tôi ậm ờ nói muốn 1 bộ nhà sàn, thì mấy thanh niên đồng tình: “Nhà sàn à, giá không dưới 80 triệu đồng đâu, nếu mua thì đặt trước 1/3 số tiền, 1 tháng nữa xẻ xong, ông lên lấy nhé. Ở đây bọn tôi cũng bán vài nhà cho dân ở Nậm Tăm rồi đấy”.
Khi thấy chúng tôi chưa tin, Lùng tiếp: “Yên tâm đi, bọn này không lừa ai đâu, mà bây giờ lấy gỗ bằng cưa máy nhanh lắm. Mấy bản Can Tỷ ở đây có gần chục cưa máy ấy chứ, chỉ cần làm 15 ngày là xong thôi”.
Đi ra ngoài, Lùng chỉ tay lên phía rừng trước mặt: “Bọn tôi chặt trên đấy, kiểm lâm có biết, lên đến nơi thì bọn tôi cũng đi rồi, làm sao mà bắt được”.
Chia tay Lùng, anh em lại quyết định lên rừng. Cũng không khác những chỗ chúng tôi đã lên, hình ảnh quen thuộc suốt quãng đường mòn là những cây to đường kính từ 50cm – 2m bị hạ không thương tiếc, chỉ còn trơ trọi những gốc cây bị đốn hạ hay những thân cây bị cưa, xẻ nằm lộn xộn khắp núi rừng.
Có nơi lâm tặc còn đốt cháy cả khoảng rừng để dễ bề khai thác. Có chỗ 3 cây to, đường kính khoảng trên 1m bị hạ xuống, gốc cây còn “ứa máu” thơm nồng mùi gỗ. Dọc đường đi khoảng hơn 1km, đếm sơ sơ cũng có khoảng trên 50 gốc mới bị đốn hạ.
Rừng bị phá tan hoang. |
Xót xa cho rừng
Gần 1 tuần, đêm nào anh em chúng tôi cũng phục kích trên tuyến đường để xem lâm tặc chở gỗ nhưng kết quả thu được chỉ là con số không. Có đêm nhận được tin báo sẽ có xe chở gỗ đi qua, nhưng chờ mãi đến 4 giờ sáng không thấy tăm hơi, đành về không.
“Sao ông bảo mọi ngày chúng thường chở gỗ, mà mình phục cả tuần rồi chẳng thấy ma nào?” – tôi thắc mắc. Anh bạn đi cùng thanh minh: “Chắc chúng thấy động nên nằm im, bọn này thính lắm. Bây giờ tôi dẫn ông vào nhà người này, ông ấy sẽ cho ông biết”.
Sau gần 30 phút, chúng tôi có mặt tại nhà ông Điều A Già (bản Can Tỷ – xã Ma Quai). Ông rơm rớm nước mắt: “Chúng phá hết rừng rồi. Từ đời cha ông chúng tôi đều coi khu rừng này là tài sản của cả bản đấy. Trước đây khi chúng tôi muốn làm nhà phải xin phép bản, xin phép chính quyền mới khai thác, mà chỉ lấy những cây nhỏ thôi, những cây to vài người ôm vẫn để nguyên. Vậy mà từ khi có con đường chạy qua thì rừng bị chặt nhiều, người già như chúng tôi thấy xót xa lắm nhưng không làm được gì”.
Theo ông Già thì người mua cũng nhiều, người ngoài thị xã Lai Châu, Mường Lay đến mua cũng có mà dân dưới Nậm Cha, Nậm Tăm lên mua cũng nhiều. Trung bình giá cột nhà sàn khoảng 1 – 1,2 triệu đồng/cột. Lợi trước mắt như thế thì ai chẳng muốn làm.
“Ông có biết tại sao mấy hôm nay chúng nó không khai thác và vận chuyển nữa không” – tôi hỏi ông Già. Vẫn vẻ mặt buồn buồn, ông trả lời: “Khai thác thì vẫn có, nhưng không dùng cưa máy nữa mà dùng rìu thôi, còn vận chuyển thì không có vì kiểm lâm đang làm gắt. Hôm qua tôi xuống nhà thằng Lùng chơi thấy kiểm lâm vào nhắc nhở không khai thác nữa…”.