Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa thông báo và đề nghị các Bộ ngành, đoàn thể và địa phương phối hợp với ngành TN&MT tổ chức lễ phát động và các hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường vào Ngày Môi trường thế giới 05/06. Đồng thời, mở chiến dịch truyền thông nhằm cung cấp kiến thức, hiểu biết về các vấn đề môi trường liên quan đến chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay.
Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện có kết quả Chương trình Quốc gia về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; phòng ngừa, ngăn chặn nạn đốt phá rừng, phục hồi nhanh chóng hệ sinh thái rừng ngập mặn đã bị tàn phá nặng nề; tăng cường tiết kiệm năng lượng, hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ khí đốt.
Phát động phong trào bảo vệ rừng; trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh tại công sở, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, các đơn vị lực lượng vũ trang, đến các hộ gia đình nhằm huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia; bảo vệ môi trường không khí, giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối…
Bộ TN&MT cũng đề nghị các Bộ ngành, đoàn thể và các địa phương sớm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay và thông báo về kế hoạch, kết quả thực hiện cho Bộ TN&MT để theo dõi, tổng hợp và đúc kết kinh nghiệm.
Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay (05/06) là “Hãy thay đổi thói quen: Hướng đến một nền kinh tế ít cacbon”. Thành phố Wellington, New Zealand được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chọn làm địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm quốc tế sự kiện môi trường quan trọng này.
Nội dung xuyên suốt là về biến đổi khí hậu – đang đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích sống còn của nhiều dân tộc, nhiều nơi trên khắp hành tinh, trong đó có Việt Nam. Biểu hiện ở chế độ thời tiết bất thường, sự ấm lên của trái đất, hậu quả là băng tan, mực nước biển dâng, mưa lũ, bão lốc, giông tố gia tăng.
Con người đang phải đối mặt với những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu như dịch bệnh, đói nghèo, mất nơi ăn chốn ở, thiếu đất canh tác, sự suy giảm đa dạng sinh học…
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân trực tiếp của sự biến đổi khí hậu là do phát thải quá mức khí nhà kính, đặc biệt là CO2. Nồng độ CO2 trong khí quyển tăng lên từ việc đốt một khối lượng lớn chưa từng có các nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt trong quá trình phát triển công nghiệp, tình trạng phá rừng và khai thác gỗ thiếu bền vững là nguyên nhân tạo ra hơn 20% phát thải khí nhà kính trên toàn cầu.
Một số hình thức canh tác, chăn nuôi, giao thông vận tải, thói quen sử dụng năng lượng, nhiên liệu không tái tạo và các sản phẩm từ rừng cũng đã làm tăng đáng kể lượng khí nhà kính.