Khói bụi, nước thải, tiếng ồn, mùi hôi khó chịu… là những thứ mà cư dân thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) sống gần các nhà máy phải gánh chịu từ năm này qua năm khác, không biết tới bao giờ mới thoát cảnh trần ai.
Tức ngực vì tiếng ồn
Một ngày đầu tháng năm, theo đường Phan Huy Ích (P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM), vào hẻm 102, một khu dân cư đông đúc nằm cạnh con rạch nhỏ Hi Vọng. Bên kia con rạch là một cơ sở sản xuất. Theo bà con, đó là cơ sở nhuộm của ông Ch., chuyên “wash” quần jean, kaki.
Vừa tới đầu rạch đã nghe tiếng máy rú lên từng hồi muốn điếc cả tai. Bà Nguyễn Thị Kh., một người dân trong hẻm, nói: “Chú ở xa mới tới còn chịu không nổi, tụi tôi ở đây quanh năm suốt tháng ngày nào cũng nghe như bị tra tấn”.
Chưa đầy năm phút sau, từ phía nhà máy bỗng có tiếng dập nghe “ình, ình” giống như búa máy đóng cọc nhồi. Đứng đó chừng 10 phút là thấy tức ngực khó thở.
Mái nhà lợp bạt… chống bụi
Ra phía sau dãy nhà giáp ranh với nhà máy, bà con chỉ lên những mái nhà được căng thêm bạt che bụi rồi cho biết: “Phải chống bụi bằng cách này chứ chịu không nổi. Hết bụi tới khói, hết khói trắng tới khói… màu. Từ người lớn tới con nít đều ho sặc sụa sau mỗi đợt khói ở bên xông qua”.
Chưa hết, dưới ống cống thông ra con rạch là một đường nước. Theo bà con, đó là nước thải của cơ sở thải ra. Hòa cùng với rác từ phía đầu nguồn con rạch ở đường Phạm Văn Bạch đổ xuống, con rạch này biến thành rạch… rác từ nhiều năm nay.
Qua Q.12, đi theo đường Nguyễn Văn Quá (P.Đông Hưng Thuận) rồi rẽ vào một con hẻm thuộc tổ 4, khu phố 4. Nơi đây là “bản doanh” của chừng sáu nhà máy, cơ sở sản xuất nước rửa chén, bao bì, giấy cactông, dệt nhuộm… Mỗi nhà máy đều có ống khói vươn lên trời, nhả khói đen mù mịt, sau nhà máy là đường xả nước thải thoát ra kênh Tham Lương ngay cạnh.
Từ đầu các con hẻm tới mép rạch Tham Lương, chạy dài theo rạch từ khu vực Q.Tân Bình qua Gò Vấp tới Q.12 đâu đâu cũng thấy nhà dân xen lẫn nhà máy. Không ít trong số đó là nhà máy sản xuất chất độc hại như hóa chất, axit, nhôm, chì…
Cây cỏ lụi dần
Từ hương lộ 10 (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), đi dọc kênh B về hướng xã Tân Nhựt để vào Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân. Toàn bộ con kênh hiện nay là một màu nước đen kịt. Càng vào gần KCN nước càng đen đặc, mùi hôi nặng hơn.
Bà Lê Thị Hai, một hộ dân cất nhà bên dòng kênh, nói: “Nước đen đã có ở đây từ bốn năm qua, kể từ khi KCN hoạt động nhộn nhịp. Những lúc nước cạn, mùi hôi xông lên càng khó chịu hơn”.
Theo Công ty Quản lý – khai thác dịch vụ thủy lợi, từ đầu năm đến nay tình hình ô nhiễm nguồn nước trên các kênh rạch ở xã Lê Minh Xuân, Tân Nhựt, Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đang rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân trong vùng. Tình trạng cây cỏ chết lụi dần từ tháng 09/2007 đến nay vẫn tiếp diễn và lan ra khu vực xung quanh KCN Lê Minh Xuân.
Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu là do nước thải từ các cơ sở sản xuất trong KCN chưa được thu gom, xử lý. Hầu hết cống xả từ KCN ra kênh rạch đều có nước rất đen và hôi thối, gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường trên diện rộng.
Theo Ban quản lý các khu chế xuất – KCN, tình hình ô nhiễm nước mặt hiện nay tập trung tại khu vực xung quanh KCN Tân Phú Trung và KCN Lê Minh Xuân. Tình trạng các doanh nghiệp không xử lý hay xử lý đối phó khi có kiểm tra đã làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước lưu vực kênh Thầy Cai – An Hạ. Tại KCN Lê Minh Xuân, tình trạng ô nhiễm ở kênh 6 và kênh 8 vẫn còn.