Sự tồn lưu của dioxin tại một số vùng ở Việt Nam với nồng độ cao gấp nhiều lần so với nồng độ cho phép của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ là có nguồn gốc từ chất diệt cỏ do Mỹ sử dụng.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban Chỉ đạo 33), Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa cho biết như vậy.
Việc rải 80 triệu lít chất diệt cỏ, chứa ít nhất 366 kg dioxin do Mỹ thực hiện ở miền Nam Việt Nam trong những năm chiến tranh có tác động xấu đến môi trường Việt Nam là không thể phủ nhận.
Từ năm 1962 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ rải chất da cam/dioxin trên diện tích 2.631.297 ha; trong đó, 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần; 25.585 thôn bản bị rải chất da cam/dioxin.
Do các hình thái thời tiết như: gió, mưa, lũ… diễn ra tự nhiên, nên diện tích đất, rừng bị ảnh hưởng bởi chất da cam/dioxin rộng hơn diện tích bị rải. Hơn 2 triệu ha rừng nội địa và rừng ngập mặn ở Việt Nam bị hủy hoại do chất da cam, khó phục hồi hoặc chậm phục hồi, tính đa dạng sinh học bị suy giảm. Một số loài động thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng hoặc suy giảm.
Hiện nay, tại một số vùng chứa, nạp và rửa các phương tiện phun rải chất da cam/dioxin trong sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát ở Việt Nam, nồng độ dioxin vẫn ở mức rất cao, gấp hàng trăm lần so với nồng độ cho phép trong đất phi nông nghiệp của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (USEPA).
Nồng độ dioxin trong bùn và một số động vật thủy sinh tại một số hồ gần các khu vực này gấp từ 5 đến 20 lần nồng độ cho phép.
Hậu quả rõ nét nhất là chức năng giữ nước chống lũ lụt của rừng bị giảm, đất trở nên nghèo nàn, mất tính giàu dinh dưỡng, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế xã hội trong vùng bị phun rải.
Sản lượng thủy, hải sản giảm do hủy hoại rừng ngập mặn; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn tại các vùng bị rải, một số loài động vật, thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng, các loại gặm nhấm và cỏ dại phát triển.
Các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu và khẳng định: dioxin là chất độc nhất do con người tìm và tạo ra. Tại một số vùng bị ô nhiễm nặng, chất da cam/dioxin vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.
Chính phủ Việt Nam đã và đang có những biện pháp tích cực để ngăn chặn nhưng chỉ mới đáp ứng được một phần của yêu cầu ngăn chặn triệt để tác hại của dioxin. Chính phủ Mỹ cần có trách nhiệm giúp Việt Nam khắc phục hậu quả dioxin với quy mô lớn hơn, trong việc xử lý triệt để các khu ô nhiễm nặng; giúp đỡ nạn nhân chất da cam/dioxin và những người khuyết tật; phối hợp với Việt Nam nghiên cứu phòng và chống nhiễm độc dioxin…