Lấy gỗ về làm nhà, một cái cớ rất dễ đưa ra, nhưng chắc chắn, tất cả số gỗ đó không phải để làm nhà cho chính họ. Ở khu vực này đang có đường dây mua gom gỗ, đầu nậu đặt ra giá tiền khá hấp dẫn cho những lao động địa phương. Những lao động ở đây vô tình trở thành "con bài" dưới tay ông chủ đầu nậu gỗ. Hết gỗ chò, đến gỗ trắc. Giờ đây, ngay cả nhóm gỗ dành cho xây dựng cũng đang bị ráo riết săn lùng…
Tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép vẫn diễn ra dai dẳng ở nhiều địa phương. Một điều hết sức khó hiểu là, mặc dù trong những bản báo cáo về công tác bảo vệ rừng, tình hình phá rừng dường như đã được ngăn chặn, vậy nhưng gỗ rừng vẫn ngày ngày được chuyển về xuôi.
Tại vùng rừng thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Theo đường đi của gỗ, có thể thấy thực chất của công tác ngăn chặn phá rừng hiện nay. Mặc dù trời mưa to, con đường lầy lội. Nhưng, chỉ mới 11h trưa, hàng chục người đã đưa gỗ ra khỏi rừng. Người dân địa phương đã quen với những con đường gỗ đi từ rừng về làng, và cũng quen với những người thường làm công việc này.
Ở huyện Vạn Ninh, rất nhiều con đường gỗ được hình thành, tập trung ở các xã ven rừng. Nhiều người khai thác gỗ trái phép cho rằng, họ đã dọn sạch vùng rừng này và tiếp tục đến vùng rừng xa hơn, giáp ranh với tỉnh Phú Yên.
Hạt Kiểm lâm huyện Vạn Ninh cho biết, gần 5 tháng qua, chỉ có 41 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản bị bắt giữ với lượng gỗ chỉ 30m3. Nhìn vào con số này, tưởng như vùng rừng ở đây vẫn đang yên ả.
Một điều khó hiểu là, trên các con đường, người khai thác, vận chuyển gỗ thì nhiều, mà lực lượng chức năng thì lại hầu như không có. Chính quyền địa phương không thể không biết con đường đi của gỗ lậu, nhưng phải chăng đã xem đây là chuyện… bình thường.